vi-VNen-US
Hotline: 0913460889 (Mr. Thơ – Luật sư)

Thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn

15/08/2013 11:24        

Câu hỏi:

Tôi đang làm giấy khai sinh nhưng gặp một số rắc rối về việc chứng thực mối quan hệ với cha mẹ như sau:  Lúc trước tôi ở với mẹ, có tên trong cùng hộ khẩu và làm giấy CMND từ hộ khẩu đó. Nhưng đến năm 1984 tôi theo chồng chuyển đến hộ khẩu hiện tại. Cùng lúc đó mẹ tôi đi kinh tế nên cắt hộ khẩu. Đến năm 2001 trở về nơi cư trú cũ thì làm hộ khẩu mới không có tên tôi (vì tôi đã theo chồng). Nay khi làm giấy khai sinh cán bộ phường yêu cầu trích lục tàng thư thì không có và trả hồ sơ về. Xin hỏi trường hợp tôi thì có cách nào có thể làm giấy khai sinh mới hay không?

Trả lời:

Để được cấp giấy khai sinh, bạn thực hiện theo thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn. Theo quy định tài Điều 44 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/12/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch thì bạn đã thành niên nên có thể tiến hành thủ tục tại UBND cấp xã nơi cư trú của người mẹ (hoặc người cha - nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ) hoặc UBND cấp xã nơi bạn đang cư trú.

Về thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn được quy định tại Điều 45 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP như sau:

Người đăng ký khai sinh quá hạn nộp các giấy tờ:

- Giấy chứng sinh (theo mẫu quy định);

- Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ đẻ (nếu cha, mẹ của người được khai sinh có đăng ký kết hôn).

Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi sinh ra cấp; nếu sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.

Sau khi bạn nộp đủ giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào sổ đăng ký bản chính Giấy khai sinh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho bạn một bản chính Giấy khai sinh. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “Đăng ký quá hạn.”

Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn xác minh không quá 5 ngày.

Khi đi đăng ký khai sinh nếu bạn đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân như: Sổ hộ khẩu, Giấy chứng minh nhân dân, học bạ, bằng tốt nghiệp, lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên, mà trong các hồ sơ, giấy tờ đó đã có sự thống nhất về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán, thì bạn sẽ được đăng ký đúng theo nội dung đó. Trường hợp họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán trong các hồ sơ, giấy tờ nói trên của bạn không thống nhất thì đăng ký theo hồ sơ, giấy tờ được lập đầu tiên. Trong trường hợp địa danh đã có thay đổi, thì phần khai về quê quán được ghi theo địa danh hiện tại.

Phần khai về cha mẹ bạn trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh được ghi theo thời điểm đăng ký khai sinh quá hạn. Riêng phần ghi về quốc tịch của cha, mẹ bạn trong trường hợp cha, mẹ bạn đã được thôi quốc tịch Việt Nam, đã nhập quốc tịch nước ngoài, thì quốc tịch của cha, mẹ bạn vẫn phải ghi quốc tịch Việt Nam; quốc tịch hiện tại của cha, mẹ bạn sẽ được ghi chú vào Sổ đăng ký khai sinh và mặt sau của bản chính Giấy khai sinh.

Trân trọng.