vi-VNen-US
Hotline: 0913460889 (Mr. Thơ – Luật sư)

Trao đổi về việc xác định cha mẹ cho con và cấp dưỡng nuôi con

16/07/2013 10:53        

Để những người chưa thành niên hoặc người đã thành niên bị tàn tật, bị mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình có điều kiện tồn tại, phát triển bình thường, lành mạnh trước hết được bảo đảm bởi sự tự giác thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con cái xuất phát từ lương tâm và bổn phận của bậc cha, mẹ (bài viết này không đề cập đến trách nhiệm cấp dưỡng của các thành viên khác trong gia đình như ông, bà, anh, chị em,…). Tuy nhiên, trong trường hợp cha, mẹ không tự giác thực hiện bổn phận của mình thì trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con trở thành một nghĩa vụ pháp lý được đảm bảo thực hiện bởi các quy định của Luật hôn nhân và gia đình (quy định tại các Điều 2; 34; 36; 37; 50 và 92) và các nghị định hướng dẫn thi hành. Trong thực tế, phần lớn các trường hợp cha mẹ từ chối việc chăm sóc, nuôi dưỡng, đặc biệt là cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn là vì lý do họ cho rằng người đó không phải là con của họ. Do đó, giải quyết việc xác định cha, mẹ cho con và trách nhiệm, nuôi dưỡng, cấp dưỡng nuôi con là hai vấn đề luôn song hành. Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định về việc xác định cha, mẹ cho con và vấn đề cấp dưỡng nuôi con đã tương đối đầy đủ, cụ thể thuận tiện cho việc áp dụng. Tuy vậy, trong thực tiễn xét xử vẫn còn có sự nhận thức chưa thống nhất đối với các quy định này mà trước hết phải kể đến đó là việc xác định cha cho con và việc xác định thời hạn cấp dưỡng nuôi con.                        

1. Về việc xác định cha cho con

Việc tồn tại quan hệ tình cảm ngoài quan hệ hôn nhân hoặc ngoài thời kỳ hôn nhân là một thực tế của xã hội từ xưa cho đến nay, chính vì vậy mà pháp luật hôn nhân và gia đình đã dự liệu bằng việc đưa ra khung pháp lý trong việc xác định cha, mẹ cho con. Qua thực tế cuộc sống và trên cơ sở các luận cứ khoa học, Luật hôn nhân và gia đình và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định khá chặt chẽ và cụ thể về vấn đề xác định cha, mẹ cho con, tuy nhiên trên thực tế việc nhận thức và áp dụng vẫn thiếu thống nhất.

Quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình về việc xác định cha, mẹ cho con vừa là cơ sở pháp lý để thực hiện công tác đăng ký khai sinh, vừa là căn cứ áp dụng trong công tác xét xử của Tòa án. Thực tế, do các cán bộ toà án, cán bộ tư pháp hộ tịch còn có sự nhận thức khác nhau đối với quy định của pháp luật về việc xác định cha cho con nên đã xảy ra những câu chuyện trái khoáy xung quanh vấn đề này. Trước hết, xin nêu hai trường hợp sau đây để minh chứng và cùng trao đổi về vấn đề này.

Vụ việc thứ nhất: Chị Nguyễn Thị Vân và anh Trần Đức Hoàn kết hôn với nhau vào năm 2002, đến năm 2004 chị Vân sinh con đầu lòng là một bé gái. Do cuộc sống chung của vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn nên đến tháng 5/2008 chị Vân nộp đơn khởi kiện đến Toà án nhân dân huyện TH yêu cầu giải quyết việc ly hôn với anh Hoàn. Sau nhiều lần hoà giải không thành, đến ngày 20/8/2008 Toà án nhân dân huyện TH đã mở phiên toà xét xử cho chị Vân được ly hôn anh Hoàn. Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên có hiệu lực pháp luật kể từ ngày 21/9/2008. Tưởng chừng chị Vân sẽ không phải đến Toà án lần nữa nếu như không có sự “tranh chấp” về mặt pháp lý nảy sinh sau đó. Cụ thể đó là, vào ngày 05/02/2009 chị Vân lại sinh thêm một cháu trai. Khi chị Vân đến UBND xã ĐH để đăng ký khai sinh cho con, thì UBND xã không chấp nhận việc ghi tên anh Hoàn là cha của cháu bé trong giấy khai sinh, vì cho rằng chị Vân sinh con sau khi đã ly hôn chồng nên không có cơ sở để xác định anh Hoàn là cha của cháu bé. Để có cơ sở cho việc khai sinh, UBND xã ĐH yêu cầu chị Vân phải cung cấp bản án, quyết định của Toà án về việc xác định anh Hoàn là cha của cháu bé thì mới chấp nhận ghi tên anh Hoàn là cha của cháu bé vào giấy khai sinh. Khi chị Vân nộp đơn yêu cầu Toà án nhân dân huyện TH giải quyết xác định anh Hoàn là cha của cháu bé, thì TAND huyện TH cương quyết không nhận đơn vì cho rằng không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án, mà cơ quan đăng ký hộ tịch phải thực hiện việc đăng ký khai sinh và ghi tên anh Hoàn là cha của cháu bé vì theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình thì trong trường hợp này cháu bé đương nhiên được xác định là con của anh Hoàn.

Vụ việc thứ hai: Anh Hoàng Văn Thành kết hôn với chị Lê Thị Liên vào năm 1999, đến năm 2002 thì chị Liên sinh được một cháu trai (tên Danh). Do anh Thành luôn nghi ngờ chị Liên không chung thuỷ nên giữa vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Đến đầu năm 2007 anh Thành làm đơn khởi kiện đến Toà án yêu cầu giải quyết việc ly hôn. Quá trình giải quyết tại Toà án chị Liên cũng đồng ý việc ly hôn và hai người đã thoả thuận được với nhau về việc phân chia tài sản và việc nuôi con (chị Liên trực tiếp nuôi cháu Danh, anh Thành đóng góp cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 200.000đ). Trên cơ sở sự thoả thuận của các đương sự, ngày 10/5/2007 TAND thành phố Đ đã ban hành quyết định công nhận việc thuận tình ly hôn giữa anh Thành và chị Liên (quyết định có hiệu lực pháp luật vào ngày ban hành). Đến ngày 15 tháng 11 năm 2007 chị Liên sinh thêm một bé gái (được đặt tên là Nguyên). Sau khi sinh con chị Liên đã làm thủ tục khai sinh cho con tại UBND phường nơi chị cư trú, phần tên cha trong giấy khai sinh của cháu Nguyên đã ghi tên anh Thành. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, mức tiền anh Thành đóng góp cấp dưỡng nuôi con không còn phù hợp nên chị Liên yêu cầu anh Thành tăng mức đóng góp cấp dưỡng nuôi cháu Danh đồng thời góp thêm tiền để nuôi cả đứa con thứ hai là cháu Nguyên nhưng anh Thành không chấp nhận mà cho rằng cháu Nguyên không phải là con của anh. Đến tháng 10/2009 chị Liên làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân huyện QT buộc anh Thành phải cấp dưỡng nuôi cháu Nguyên. Sau khi xem xét đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, lãnh đạo Toà án nhân dân huyện QT cho rằng chị Liên sinh cháu Nguyên sau khi đã ly hôn, nên để có cơ sở buộc anh Thành cấp dưỡng nuôi con thì chị Liên phải làm đơn yêu cầu tòa án giải quyết việc xác định anh Thành là cha của cháu Nguyên trước, sau đó mới có quyền khởi kiện yêu cầu giải quyết việc buộc anh Thành đóng góp cấp dưỡng nuôi cháu Nguyên.

Trên đây chỉ là hai trong số nhiều trường hợp có sự nhận thức và xử lý trái ngược nhau trước cùng một dạng tình huống pháp lý giống nhau. Trong vụ việc thứ nhất, cơ quan hộ tịch còn dè dặt, không dám ghi tên anh Hoàn vào giấy khai sinh của con mà phải chờ sự xác định của Toà án, trong khi đó thì Toà án lại quả quyết là không cần thiết. Ngược lại, ở vụ việc thứ hai trong khi cơ quan hộ tịch đã xác định anh Thành là cha của cháu Nguyên bằng việc đăng ký khai sinh, thì Toà án lại buộc đương sự phải yêu cầu Toà án thực hiện việc xác định cha cho con mới giải quyết việc yêu cầu cấp dưỡng nuôi con. Như vậy, với những tình huống giống nhau nhưng đã có các cách hành xử khác nhau, mà nguyên nhân là do xuất phát từ sự xung đột về mặt nhận thức pháp lý của những người thực thi pháp luật. Một thực tế hiện nay, với tình huống nêu trên đã có rất nhiều cán bộ Toà án khẳng định là nhất thiết phải qua thủ tục toà án xác định cha cho con. Những người theo quan điểm này cho rằng, do người vợ sinh con sau khi đã ly hôn chồng và vì thế trong bản án, quyết định giải quyết việc ly hôn không đề cập, không xác định là con của ai. Chính vì vậy, để có cơ sở cho việc đăng ký khai sinh hoặc quyết định việc chăm sóc, cấp dưỡng nuôi con thì người mẹ phải yêu cầu Toà án xác định cha cho con. Chúng tôi thiết nghĩ rằng, việc cán bộ tư pháp cấp xã do dự, không dám đăng ký khai sinh còn dễ thông cảm, còn đối với việc cán bộ toà án mà lại nhận thức như vậy thì cần phải xem xét lại.

Tại Điều 63 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 đã quy định: “1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng...

2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Toà án xác định…”. Để xác định trường hợp nào thì được coi là người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân, tại Điều 21 của Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03-10-2001 của Chính phủ đã quy định cụ thể là: “Con sinh ra trong vòng 300 ngày, kể từ ngày người chồng chết hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án xử cho vợ chồng ly hôn có hiệu lực pháp luật, thì được xác định là con chung của hai người”.

Như vậy, cho dù con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hay sinh ra sau thời kỳ hôn nhân nhưng mà do người vợ có thai trong thời kỳ đó đều đương nhiên được xác định là con chung của vợ chồng. Hai trường hợp này hoàn toàn giống nhau, bình đẳng về mặt pháp lý và đã là điều đương nhiên thì cơ quan hộ tịch buộc phải thực hiện đăng ký khai sinh mà không cần phải có sự xác định của Toà án. Do đó, không thể có việc con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân thì đương nhiên được đăng ký hộ tịch xác định con chung của vợ chồng (không cần Tòa án xác định) mà khi con sinh ra ngoài thời kỳ hôn nhân nhưng người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân thì phải yêu cầu Tòa án xác định cha cho con. Đương sự chỉ có quyền và nghĩa vụ yêu cầu Toà án xác định cha cho con ngoài các trường hợp nêu trên, tức là con sinh ra ngoài thời kỳ hôn nhân và người vợ có thai ngoài thời kỳ hôn nhân. Còn khi thuộc những trường hợp đương nhiên được xác định là con chung của vợ chồng như đã nêu ở khoản 1 của điều luật nêu trên mà cha, mẹ không thừa nhận con thì cũng phải yêu cầu Tòa án xác định và phải có chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình. Do đó ở trường hợp thứ hai, nếu anh Thành không chấp nhận cấp dưỡng nuôi con vì cho rằng cháu Nguyên không phải con của mình thì anh Thành phải thực hiện yêu cầu Tòa án giải quyết việc xác định cháu Nguyên không phải là con của mình, còn chị Liên không có nghĩa vụ phải yêu cầu Tòa án xác định anh Thành là cha của cháu Nguyên vì đó đã là điều đương nhiên.

Có thể thấy rằng, “linh hồn” của điều luật quy định như trên được xây dựng trên cơ sở triết lý dân gian “cá trong ao nhà mình thì đương nhiên là của mình”. Khi chủ ao cá không thừa nhận là cá của nhà mình hoặc người ngoài nhận là cá của họ thì phải có chứng cứ chứng minh. Và như vậy, trong hai trường hợp nêu trên những người con được người vợ sinh ra trong vòng 300 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án xử cho vợ chồng ly hôn có hiệu lực pháp luật nên đương nhiên là con của vợ chồng. Trong trường hợp này nếu người chồng không thừa nhận người con đó là con của mình thì họ phải khởi kiện yêu cầu Toà án xác định và có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để chứng minh về vấn đề này mà người vợ không buộc phải yêu cầu Toà án xác định một vấn đề đã được coi là đương nhiên.

2. Về việc giải quyết yêu cầu cấp dưỡng nuôi con

Như đã nêu trên, việc xác định cha, mẹ cho con và việc giải quyết yêu cầu cấp dưỡng nuôi con luôn đi đôi với nhau. Hầu hết các trường hợp yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ cho con là nhằm mục đích để buộc cha, mẹ phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Cùng với việc tồn tại nhận thức trái ngược nhau trong việc xác định cha cho con thì vấn đề giải quyết việc cấp dưỡng nuôi con cũng còn nhiều điều phải trao đổi, đặc biệt phải kể đến đó là việc xác định thời hạn cấp dưỡng nuôi con mà cụ thể là thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Một thực tế hiện nay, rất nhiều trường hợp khi mâu thuẫn giữa vợ chồng xảy ra thì một trong hai người bỏ đi làm ăn, sinh sống nơi khác (có thể có tin tức hoặc biệt tích) trong một thời gian dài sau đó trở về yêu cầu giải quyết việc ly hôn hoặc người ở nhà không thể chờ đợi thêm nữa nên yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn với người biệt tích. Trong các trường hợp này, người đang nuôi dưỡng con thường yêu cầu người đã bỏ đi biệt tích trở về phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con hoặc khấu trừ tài sản chung của người biệt tích để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con tính từ thời điểm người đó bỏ đi. Với tình huống này có nơi Tòa án chấp nhận yêu cầu buộc cấp dưỡng từ khi người bỏ đi biệt tích không thực hiện việc nuôi dưỡng nhưng cũng có nơi chỉ chấp nhận buộc bên không trực tiếp nuôi con thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng từ khi bản án xử ly hôn có hiệu lực pháp luật.

Việc một số Tòa án chỉ buộc bên không trực tiếp nuôi con thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng tính từ khi bản án xử ly hôn có hiệu lực pháp luật thay cho tính từ ngày không thực hiện việc nuôi dưỡng (bỏ đi biệt tích) là không bảo đảm quyền lợi của người con và bên trực tiếp nuôi con. Theo quy định tại Điều 50 Luật hôn nhân và gia đình thì: “Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con, giữa anh chị em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này… Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng mà trốn tránh nghĩa vụ đó thì buộc phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định tại Luật này”. Như vậy, theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình thì nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con không chỉ thực hiện sau khi ly hôn mà phải thực hiện cả trong thời kỳ hôn nhân đang tồn tại. Nghĩa vụ cấp dưỡng đặt ra khi cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn hoặc trốn tránh không thực hiện trách nhiệm nuôi con trong thời kỳ hôn nhân. Do đó, khi cha hoặc mẹ không thực hiện nghĩa vụ nuôi con thì mẹ hoặc cha (người đang trực tiếp nuôi con) có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết buộc người đó phải đóng góp phí tổn cấp dưỡng nuôi con.

Một vấn đề cần trao đổi nữa là, về thời điểm kết thúc việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn hiện nay vẫn thực hiện chưa thống nhất. Phần lớn tại các Tòa án địa phương, các bản án, quyết định đều tuyên buộc bên không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con cho đến khi con đã thành niên (trừ trường hợp con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình). Tuy vậy, trong nhiều bản án, quyết định của một số Tòa án lại tuyên buộc người không trực tiếp nuôi con phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đến khi con trưởng thành. Các Thẩm phán của các Tòa án này cho rằng, hiện nay nhiều trường hợp mặc dù con đã thành niên nhưng đang theo học ở các trường chuyên nghiệp (trung cấp, cao đẳng, đại học) thì cha mẹ phải có nghĩa vụ nuôi ăn học nên khi ly hôn cha mẹ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Do đó, việc tuyên buộc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con đến khi con trưởng thành mới bao quát được trường hợp này và đây là quan điểm mà họ được tiếp thu qua tập huấn nghiệp vụ. Như vậy, với quan điểm như trên các Thẩm phán đã đồng nhất khái niệm “người đã thành niên” với khái niệm “người đã trường thành”. Bởi lẽ, tại Điều 56 và Điều 92 Luật hôn nhân và gia đình quy định: khi ly hôn, cha hoặc mẹ là người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chưa thành niên (hiện nay nhiều Thẩm phán sử dụng thuật ngữ vị thành niên – một thuật ngữ không có trong luật) chứ không quy định nuôi con đến khi trưởng thành.

Theo cuốn Từ điển tiếng Việt – Viện Ngôn ngữ học, Nhà xuất bản Đà Nẳng xuất bản năm 2006 thì khái niệm“trưởng thành” là: Phát triển đến mức hoàn chỉnh, đầy đủ về mọi mặt. Từ khái niệm chung này chúng ta có thể hiểu một người được coi là đã trưởng thành là người đã phát triển hoàn chỉnh, đầy đủ về mặt sinh học (về thể chất, tâm lý, tình cảm,…) về trình độ nhận thức xã hội, về nghề nghiệp,... Như vậy, trưởng thành là một khái niệm mang tính định tính, không có một con số đo đếm định lượng cụ thể, cố định mà hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh và nhận thức, quan điểm của từng người. Chính vì vậy mà trong Luật hôn nhân và gia đình cũng như Bộ luật dân sự không sử dụng khái niệm người trưởng thành mà dùng khái niệm người chưa thành niênngười thành niên. Cụ thể, tại Điều 18 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa thành niên”. Như vậy, khi ly hôn người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con đến khi con đủ mười tám tuổi. Đối với trường hợp con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì thười không trực tiếp nuôi con phải cấp dưỡng đến khi người con không còn ở trong tình trạng thuộc các trường hợp này nữa.

Người từ đủ mười tám tuổi (người thành niên) là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, tự mình tham gia, xác lập, thực hiện, hưởng các quyền và tự chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ pháp lý trong các quan hệ pháp luật. Họ hoàn toàn có đủ khả năng tham gia lao động phổ thông để có thu nhập nuôi sống bản thân. Việc tiếp tục học bậc cao đẳng, đại học để trở thành người lao động trí óc, để có được công việc phù hợp hơn hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình và tùy thuộc vào ý thức trách nhiệm của cha mẹ. Pháp luật hoàn toàn không quy định cha mẹ phải có nghĩa vụ phải nuôi con ăn học hết bậc đại học. Do đó, việc cấp dưỡng nuôi con ăn học ở bậc đại học chỉ mang tính tự nguyện, nghĩa vụ về mặt đạo đức mà không phải là một nghĩa vụ pháp lý bắt buộc. Mặt khác, nếu đặt ra nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con ăn học hết đại học thì nếu con tiếp tục học tiếp cao học, nghiên cứu sinh thì cha mẹ có phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng với tư cách là nghĩa vụ pháp lý bắt buộc theo phán quyết của Tòa án hay không? Rõ ràng điều đó là không có cơ sở pháp lý và thiếu thực tế.

Cũng cần trao đổi rõ thêm là, theo quy định tại Điều 56 và Điều 92 Luật hôn nhân và gia đình thì khi ly hôn, cha hoặc mẹ là người không trực tiếp nuôi con không chỉ có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chưa thành niên mà còn phải cấp dưỡng nuôi con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động không có tài sản để tự nuôi mình. Ở đây, người không có khả năng lao động hoàn toàn khác với người không có điều kiện tham gia lao động. Khả năng lao động là điều kiện tồn tại trong bản thân mỗi con người phụ thuộc vào thể lực và trí lực của họ. Chẳng hạn như người tàn tật, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị bệnh sức khỏe yếu không đủ thể lực để tham gia lao động. Còn người không có điều kiện tham gia lao động là người có khả năng lao động nhưng do hoàn cảnh khách quan như đang học tập, chưa tìm kiếm được việc làm theo kả năng và theo nguyện vọng, sở trường,… Như vậy, người đang theo học ở các trường trung cấp, cao đẳng, đại học không thuộc trường hợp người không có khả năng lao động để buộc cha mẹ phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con với tư cách là một nghĩa vụ pháp lý bắt buộc.

 NGUỒN: TẠP CHÍ PHÁP LUẬT