Bộ luật dân sự hiện hành đã quy định về nguyên tắc cho chuyển giao hợp đồng (Điều 309 – 317), trong đó: Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thoả thuận, trừ các trường hợp Luật quy định khác; Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ dân sự cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ – CIVILLAWINFOR
Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 đã có những tác động tích cực đối với đời sống kinh tế – xã hội của đất nước trong thời gian qua, nhưng nó cũng có không ít hạn chế, bất cập. Liên quan đến phần hợp đồng dân sự, dường như các nhà làm luật mới chỉ quan tâm đến giao kết và thực hiện hợp đồng, chứ chưa dành sự chú ý đến quan hệ của các bên trong khi thực hiện hợp đồng và sau khi hợp đồng chấm dứt. Nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn như: điều chỉnh nội dung hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi, một số nghĩa vụ có thể tiếp tục tồn tại khi hợp đồng chấm dứt, hay vấn đề chuyển giao hợp đồng (CGHĐ)…, vẫn chưa được Bộ luật làm rõ. Bài viết tập trung làm rõ sự cần thiết phải bổ sung quy định về CGHĐ vào BLDS, vì giao dịch pháp lý ba bên này thường xuyên được thực hiện, trong khi pháp luật thực định của Việt Nam vẫn chưa có quy định rõ ràng.
1. Lợi ích của chuyển giao hợp đồng
Do môi trường kinh doanh luôn có những biến động nên một hợp đồng – mặc dù phù hợp với nhu cầu và mục đích của các bên vào thời điểm giao kết, nhưng vẫn có thể trở thành gánh nặng với một trong các bên do không còn mong muốn hoặc phương tiện để tiếp tục thực hiện nó. Khi một bên thấy việc tiếp tục thực hiện hợp đồng không còn mang lại lợi ích mong muốn,anh ta sẽ tìm cách “tự giải phóng khỏi quan hệ hợp đồng”[1] bằng cách chấm dứt hợp đồng hoặc CGHĐ. Vì việc đơn phương chấm dứt hợp đồng dẫn tới hậu quả là bên đơn phương chấm dứt phải bồi thường thiệt hại, nên cách này sẽ tốn kém và ít được sử dụng hơn CGHĐ. Trong một số hoàn cảnh, CGHĐ có thể mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Trước hết, đối với bên chuyển giao, CGHĐ giải phóng anh ta khỏi một hợp đồng mà anh ta không còn mong muốn tiếp tục thực hiện mà không phải bồi thường thiệt hại. Đối với bên nhận chuyển giao, anh ta được trực tiếp thừa hưởng một hợp đồng mà không phải mất công đàm phán và có một lượng khách hàng có sẵn từ trước. Còn đối với bên còn lại trong hợp đồng, anh ta tiếp tục được thực hiện hợp đồng với một đối tác có mong muốn và phương tiện tốt hơn, và như vậy có thể thu hồi vốn và sinh lợi từ việc thực hiện hợp đồng[2]. Ngoài ra, việc CGHĐ còn có ý nghĩa tích cực về mặt xã hội vì nó không gây ra bất kỳ sự chấm dứt hợp đồng nào, vì “các quyền và nghĩa vụ không bị chấm dứt, mà được chuyển từ bên chuyển giao sang bên nhận chuyển giao”[3].
Tuy nhiên, kỹ thuật tưởng như đơn giản này lại đặt ra một số vấn đề lớn khi liên quan đến các loại hợp đồng phức tạp. Vấn đề thứ nhất là nguyên tắc hiệu lực bất biến[4] – vốn là nguyên tắc nền tảng của pháp luật hợp đồng – có nguy cơ bị xâm phạm khi CGHĐ. Khi hợp đồng được giao kết hợp pháp, các bên phải “thực hiện đúng hợp đồng, đúng đối tượng, chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thoả thuận khác”[5]. Việc thay thế một bên trong hợp đồng có nguy cơ khiến cho hợp đồng không được thực hiện đúng theo giao kết ban đầu bởi vì bên nhận chuyển giao là bên thứ ba. Vậy mà, hợp đồng chỉ ràng buộc các bên giao kết, nên sẽ khó có thể bắt buộc bên thứ ba này thực hiện nghiêm chỉnh toàn bộ nội dung hợp đồng mà anh ta không ký với bên còn lại trong hợp đồng. Vấn đề thứ hai là hiện nay, BLDS 2005 của Việt Nam mới chỉ quy định về chuyển giao quyền yêu cầu (các Điều 309-314) và chuyển giao nợ (các Điều 315-317), trong khi hợp đồng không đơn thuần là tập hợp các quyền và nghĩa vụ, mà còn là mối quan hệ của các bên. Pháp luật thực định của nước ta mới chỉ có quy định về chuyển giao đối với một số hợp đồng đặc thù[6], chứ chưa có quy định về việc CGHĐ nói chung. Do chưa có một chế định chung cho CGHĐ, nên các bên sẽ không biết chắc chắn hợp đồng của mình có thể chuyển giao được hay không, và nếu có thì phải tuân theo các điều kiện gì, liệu có thể tự do thỏa thuận việc chuyển giao hoặc cấm chuyển giao hay không? Tòa án cũng sẽ gặp khó khăn khi phải thụ lý các vụ tranh chấp liên quan đến CGHĐ do chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết. Do vậy, cần làm rõ bản chất của CGHĐ để từ đó đề xuất hướng bổ sung chế định này vào BLDS.
2. Bản chất của chuyển giao hợp đồng
2.1. Định nghĩa
Mặc dù việc CGHĐ vẫn thường xuyên được thực hiện trong thực tế, nhưng hiện nay hầu hết các hệ thống luật trên thế giới đều chưa có định nghĩa về việc này. Theo C. LAPP[7], một trong những học giả tiên phong nghiên cứu về CGHĐ tại châu Âu, thì CGHĐ là “một thỏa thuận theo đó một bên trong hợp đồng chuyển giao cho một người thứ ba toàn bộ các quan hệ pháp lý bắt nguồn từ hợp đồng đó”. Theo quan điểm này, không phải bản thân hợp đồng, mà thực chất là các mối quan hệ về quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng mới là đối tượng được chuyển giao, vì hợp đồng là một sự thống nhất ý chí làm phát sinh quyền và nghĩa vụ. Nhưng sự thống nhất ý chí – cơ sở hình thành hợp đồng – là một yếu tố phi vật chất nên không thể chuyển giao được. Nếu một người thứ ba tham gia vào sự thống nhất ý chí này thì sẽ có một sự thống nhất ý chí mới, và như vậy là một hợp đồng mới được hình thành. Vì thế, không phải hợp đồng – nguồn gốc của quyền và nghĩa vụ – được chuyển giao, mà là mối quan hệ pháp lý phát sinh từ hợp đồng được dịch chuyển sang cho người thứ ba. Một số tác giả khác lại cho rằng, CGHĐ là “một hành vi pháp lý nhằm thay thế một bên trong một mối quan hệ hợp đồng bởi một bên thứ ba”[8]. Theo cách hiểu này, thực ra không có sự CGHĐ, mà có sự dịch chuyển của một người mà trước đó là bên thứ ba trong hợp đồng vào một mối quan hệ hợp đồng[9]. Như vậy có thể coi CGHĐ là một hành vi pháp lý, qua đó một người thứ ba, được gọi là bên nhận chuyển giao (C), thế vào vị trí của một bên, gọi là bên chuyển giao (A), trong hợp đồng mà anh ta đã ký với một bên, gọi là bên còn lại trong hợp đồng (B).
2.2. Các hình thức CGHĐ
Nếu xét trên góc độ căn cứ pháp lý của việc chuyển giao thì có thể phân biệt hai loại CGHĐ chính. Một là, CGHĐ theo thỏa thuận của các bên. Việc chuyển giao này được thực hiện thông qua một thỏa thuận với sự thống nhất ý chí của cả ba bên tham gia. Hai là, CGHĐ theo luật định. Loại chuyển giao này được quy định trong một văn bản pháp luật cụ thể và không đòi hỏi phải có sự đồng ý của bên còn lại trong hợp đồng. Việc CGHĐ sẽ tự động được thực hiện khi thỏa mãn các điều kiện của pháp luật, như trong trường hợp có sự thay đổi về chủ lao động thì các hợp đồng lao động sẽ tự động được chuyển sang cho chủ lao động mới[10]. Ở một số nước còn có hình thức CGHĐ do tòa án quyết định. Trong một số hoàn cảnh cụ thể, tòa án có thể buộc các bên phải CGHĐ để bảo vệ lợi ích chung, chẳng hạn một doanh nghiệp tiếp quản một doanh nghiệp khác đang trong tình trạng khó khăn hoặc nộp đơn xin phá sản[11].
Nếu xét trên góc độ ràng buộc pháp lý, có thể có CGHĐ giải phóng nghĩa vụ và CGHĐ không giải phóng nghĩa vụ. Được gọi là CGHĐ giải phóng nghĩa vụ khi bên chuyển giao được giải phóng hoàn toàn khỏi hợp đồng và CGHĐ không giải phóng nghĩa vụ khi bên chuyển giao vẫn phải cam kết đảm bảo việc thực hiện hợp đồng ban đầu bởi bên nhận chuyển giao.
Tất cả các định nghĩa về CGHĐ như đã phân tích ở trên đều có điểm chung là việc CGHĐ không làm chấm dứt các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng – đối tượng của sự chuyển giao, mà nó chỉ dịch chuyển từ người này sang người khác. Vì vậy, CGHĐ sẽ khác với một số hành vi pháp lý ba bên khác.
3. Chuyển giao hợp đồng và các giao dịch pháp lý ba bên
Thay đổi nội dung hợp đồng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, có thể có các thay đổi đến các khía cạnh khác nhau của hợp đồng, chẳng hạn đối tượng của hợp đồng thay đổi hoặc không còn tồn tại. Sự thay đổi nội dung hợp đồng có thể khiến cho việc thực hiện nó cần phải có sự tham gia của một bên thứ ba. Trong trường hợp này, người ta không coi đó là CGHĐ, vì các bên trong hợp đồng không có sự thay đổi.
Thay thế nghĩa vụ. CGHĐ không phải là thay thế nghĩa vụ, bởi vì CGHĐ không làm chấm dứt hợp đồng ban đầu và không làm phát sinh một hợp đồng mới. Trong thay thế nghĩa vụ[12], một nghĩa vụ bị chấm dứt do được thay thế bằng một nghĩa vụ dân sự khác[13], còn trong CGHĐ, nghĩa vụ không bị chấm dứt, mà nó được chuyển từ một bên giao kết sang một bên trước đó là bên thứ ba.
Chuyển giao nghĩa vụ. CGHĐ cũng khác với chuyển giao quyền yêu cầu và chuyển giao nghĩa vụ, mặc dù về bản chất đây cũng là một giao dịch pháp lý ba bên. Lập luận chính được các học giả nêu ra là hợp đồng không đơn thuần là tập hợp các quyền và nghĩa vụ, mà còn là mối quan hệ giữa hai bên giao kết[14] và đi liền với nó là phẩm chất cá nhân cần thiết cho việc thực hiện hợp đồng và các quyền phản kháng đơn phương[15].
4. Chuyển giao hợp đồng tại một số quốc gia
4.1. CGHĐ tại một số nước theo hệ thống luật lục địa
Hiện nay, nhiều nước như Đức, Italy, Bồ Đào Nha và Bỉ, đã có các cơ chế đặc thù cho phép thực hiện việc CGHĐ. Tại Italy và Bồ Đào Nha, CGHĐ được hiểu là sự thay thế người chuyển giao bởi một người thứ ba (người nhận chuyển giao) vào mối quan hệ hợp đồng với sự đồng ý của bên còn lại. Việc CGHĐ có hậu quả là sự chuyển giao toàn bộ các nghĩa vụ, quyền yêu cầu và quyền phản kháng đơn phương (như quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, quyền gia hạn hợp đồng…) từ bên chuyển giao sang cho bên nhận chuyển giao[16]. Tại Bỉ, pháp luật quy định việc chuyển giao một số loại hợp đồng chuyên biệt. Trong trường hợp pháp luật không có quy định, hợp đồng chỉ có thể được chuyển giao nếu được sự đồng ý của tất cả các bên. Tòa án Bỉ có xu hướng đề cao sự tự do thỏa thuận. Điều này có nghĩa là việc CGHĐ chỉ có thể được thực hiện nếu được sự đồng ý của tất cả các bên. Tuy nhiên, trong trường hợp hợp đồng không có quy định về CGHĐ, Tòa án Bỉ có xu hướng ưu tiên việc chuyển giao khi việc tiếp tục thực hiện hợp đồng nhờ đó trở nên thuận lợi hơn và chỉ chấp nhận cho bên còn lại trong hợp đồng từ chối sự chuyển giao khi việc này gây bất lợi cho anh ta. Như vậy, Tòa án Bỉ đã đặt ra yêu cầu đối với bên còn lại trong hợp đồng phải nêu rõ lý do từ chối chuyển giao. Trong pháp luật của các nước theo hệ thống Germanique (hệ thống luật dân sự)như Đức, Thụy Sỹ, Áo và các nước Scandinave (bao gồm Đan Mạch, Na Uy, Thuỵ Điển ở vùngBắc Âu), không có quy định chung nào của pháp luật điều chỉnh việc CGHĐ, nhưng các nước này có xu hướng chấp nhận việc chuyển giao do các bên thỏa thuận và coi đó không đơn thuần là sự chuyển giao quyền và nghĩa vụ. Tại Argentina, việc CGHĐ chỉ có hiệu lực với sự đồng ý của tất cả ba bên. Tại hầu hết các nước này, cũng có các văn bản chuyên ngành quy định việc chuyển giao một số hợp đồng chuyên biệt như hợp đồng thuê nhà kinh doanh, hợp đồng bảo hiểm và hợp đồng lao động trong trường hợp hợp nhất doanh nghiệp.
Tại Pháp, một số học giả cho rằng, có thể CGHĐ, mặc dù BLDS Pháp không có quy định minh thị nào về việc này, thậm chí còn cấm việc chuyển giao nghĩa vụ[17]. Nhiều học giả Pháp cho rằng, việc CGHĐ có thể được thực hiện thông qua việc kết hợp chuyển giao quyền và ủy thác thực hiện nghĩa vụ (délégation)[18]. Theo C. LAPP, tất các các thành phần của mối quan hệ hợp đồng – các quyền, nghĩa vụ và quyền phản kháng đơn phương – đều có thể chuyển giao được. Tuy nhiên, theo L. AYNÈS[19], việc CGHĐ không phải là kết quả của việc chuyển giao từng bộ phận của hợp đồng, mà chính hợp đồng trong tổng thể của nó được dịch chuyển. Tác giả này cho rằng, CGHĐ không đi ngược lại các nguyên tắc hiệu lực bất biến của hợp đồng, cũng không trái với nguyên tắc hợp đồng chỉ ràng buộc các bên ký kết. Hợp đồng vẫn giữ nguyên được nội dung và mục đích ban đầu của nó và bên nhận chuyển giao là bên thế quyền. Đúng là bên nhận chuyển giao là bên thứ ba đối với hợp đồng ban đầu, nhưng anh ta có thể chịu sự ràng buộc với hợp đồng này với tư cách là người thế quyền, mà điều này được pháp luật cho phép. Vì vậy một bên có thể CGHĐ mà không cần sự đồng ý của bên còn lại. Giải pháp này thuận lợi cho bên chuyển giao, nhưng lại bất lợi cho bên còn lại trong hợp đồng. Nó làm xói mòn sự an toàn pháp lý hợp đồng, vì bên còn lại trong hợp đồng không được hưởng lợi gì từ việc CGHĐ trong khi lại đứng trước nguy cơ bên nhận chuyển giao không thực hiện đúng hợp đồng. Ngoài ra, việc CGHĐ, nếu được thực hiện thành công, còn có thể làm tăng thêm nghĩa vụ cho bên còn lại trong hợp đồng. Vì thế, nhiều tác giả khác cho rằng việc CGHĐ chỉ có thể với sự đồng ý của tất cả các bên. Tuy nhiên, trong trường hợp như vậy thì vì có sự thống nhất ý chí mới, nên sẽ có một hợp đồng mới được hình thành[20], mặc dù nội dung của nó không có gì thay đổi. Do CGHĐ thực chất là việc ký một hợp đồng mới nên nó sẽ làm phát sinh các nghĩa vụ gắn liền với việc giao kết hợp đồng, như nghĩa vụ cung cấp thông tin trước khi ký kết hợp đồng (đối với bên nhượng quyền trong hợp đồng nhượng quyền thương mại, bên mua bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm). Vì vậy, bên có nghĩa vụ phát sinh khi CGHĐ sẽ có xu hướng đưa vào trong hợp đồng một điều khoản cấm CGHĐ.
Các thẩm phán của Pháp cũng có những quan điểm khác nhau về CGHĐ. Trong suốt một thời gian dài, nhiều Tòa án Pháp vẫn cho rằng, hợp đồng là không thể chuyển giao được, trong khi một số thẩm phán lại cho rằng nguyên tắc hợp đồng chỉ ràng buộc các bên ký kết không ngăn cản việc CGHĐ. Trong một bản án ngày 07/01/1992 liên quan đến việc chuyển giao một hợp đồng bảo trì thiết bị điện tử, Tòa án tối cao Pháp đã quyết định rằng: “Phẩm chất cá nhân của các bên giao kết không thể là lý do ngăn cản việc chuyển giao các quyền và nghĩa vụ của một bên trong hợp đồng sang cho một người thứ ba”[21]. Như vậy, tại Pháp, mọi hợp đồng đều có thể được chuyển giao với điều kiện được bên còn lại chấp nhận[22]. Sự chấp nhận này có thể được thể hiện ngay từ thời điểm giao kết hợp đồng thông qua một điều khoản quy định về CGHĐ, hoặc vào thời điểm thực hiện việc chuyển giao. Thông qua hai phán quyết ngày 6/5/1997[23], Tòa án tối cao Pháp đã tái khẳng định sự cần thiết của sự đồng ý của bên còn lại trong hợp đồng đối với việc CGHĐ. Trong vụ việc thứ nhất, hợp đồng được chuyển giao mà không được sự đồng ý của bên kia, và như vậy, theo Tòa án tối cao, CGHĐ này là vô hiệu. Vụ việc thứ hai liên quan đến một hợp đồng bảo trì thiết bị giữa công ty A và công ty B. Hợp đồng này có một điều khoản quy định rằng, các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng có thể chuyển giao được cho một bên thứ ba. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, công ty B được thay thế bởi công ty C, nhưng công ty A đã từ chối thanh toán phí bảo trì cho công ty C. Công ty C kiện ra tòa. Tòa án tối cao Pháp đã cho rằng việc chuyển giao là hợp pháp mặc dù không nhận được sự đồng ý của công ty A vào thời điểm thực hiện việc chuyển giao. Hai phán quyết này là không mâu thuẫn nhau, vì trong vụ việc thứ hai, công ty A đã đưa ra sự đồng ý về việc CGHĐ ngay từ thời điểm ký hợp đồng.
Dự thảo sửa đổi BLDS Pháp đã đưa vào một phần quy định việc CGHĐ theo đó “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, việc CGHĐ có thể thực hiện được với sự đồng ý của tất cả các bên tham gia”[24].
4.2. CGHĐ trong hệ thống luật Anh-Mỹ
Về cơ bản, hệ thống luật Anh-Mỹ hiện đại chấp nhận việc CGHĐ theo thỏa thuận của các bên. Khi việc chuyển giao theo hợp đồng được thực hiện, bên nhận chuyển giao sẽ được hưởng một phần hoặc toàn bộ quyền và nghĩa vụ của bên CGHĐ, nhưng không bao giờ được hưởng nhiều hơn các quyền mà bên chuyển giao đã có trong hợp đồng. Đây được gọi là nguyên tắc ngang bằng quyền lợi (standing in the shoes principle). Trong pháp luật của Anh, hợp đồng không thể tự động được chuyển giao cho người thứ ba. Việc CGHĐ phải được sự đồng ý của tất cả các bên: bên chuyển giao, bên nhận chuyển giao, và đặc biệt là bên còn lại trong hợp đồng. Cũng giống như pháp luật Việt Nam và Pháp, trong pháp luật của Anh không có một chế định riêng cho CGHĐ. Tuy nhiên, trong thực tế, thuật ngữ “CGHĐ” vẫn được sử dụng rộng rãi[25].
Tại Mỹ, người ta sử dụng thuật ngữ “assign a right” để chỉ việc chuyển giao một quyền và “delegate a duty” để chỉ việc chuyển giao nghĩa vụ. Trong chuyển giao quyền, người chuyển giao được gọi là assignor, người nhận chuyển giao là assignee và người có nghĩa vụ là obligor. Khi giao dịch thành công, quyền của người chuyển giao được chuyển toàn bộ sang cho người nhận chuyển giao[26]. Việc chuyển giao quyền yêu cầu không đòi hỏi sự đồng ý của bên có nghĩa vụ[27]. Nguyên tắc cơ bản là mọi quyền phát sinh từ một hợp đồng đều có thể được chuyển giao, nhưng vẫn có một số ngoại lệ. Chẳng hạn, việc chuyển giao quyền sẽ không được chấp nhận nếu việc chuyển giao này làm thay đổi cơ bản hoàn cảnh của bên có nghĩa vụ hoặc làm tăng thêm chi phí cho việc thực hiện nghĩa vụ, hoặc làm giảm cơ hội thu được quyền lợi mà đáng lẽ anh ta được hưởng từ việc thực hiện nghĩa vụ đó[28]. Theo quy định của UCC (Uniform Commercial Code – Bộ luật Thương mại thống nhất) § 2-210, sẽ không được chấp nhận: việc chuyển giao quyền nếu việc thực hiện quyền này gắn liền với nhân thân của người có nghĩa vụ[29]; việc chuyển giao quyền phát sinh từ một hợp đồng theo đó người thụ trái có quyền mua toàn bộ các sản phẩm mà người có nghĩa vụ có thể sản xuất ra (output contract), hoặc toàn bộ số lượng hàng mà anh ta cần (requirement contract); việc chuyển giao quyền bảo đảm mà người mua bảo hiểm được hưởng đối với bên cung cấp bảo hiểm.
Nhìn chung, việc chuyển giao quyền phát sinh từ hợp đồng sẽ không được chấp nhận nếu nó có hậu quả là làm thay đổi cơ bản các điều kiện của hợp đồng. Việc chuyển giao các quyền phát sinh trong tương lai được chấp nhận nếu chúng phát sinh từ một hợp đồng đã được ký kết, hoặc từ một quan hệ kinh doanh đã tồn tại. Ngược lại, không thể chuyển giao các quyền sẽ phát sinh từ một hợp đồng sẽ được ký kết hoặc từ một quan hệ kinh doanh sẽ được thiết lập[30]. Nhưng, theo nguyên tắc công bằng (equity), người ta có thể yêu cầu thực hiện việc chuyển giao quyền khi quyền này phát sinh trên cơ sở tồn tại của một hợp đồng tương lai (contract to assign)[31]. Ngoài ra, UCC §9-204, cũng thừa nhận hiệu lực của một số chuyển giao các quyền sẽ phát sinh trong tương lai.
Restatement Second of contracts (Bộ pháp điển hóa về Hợp đồng xuất bản lần thứ hai) chấp nhận các điều khoản cấm việc chuyển giao quyền phát sinh từ hợp đồng[32]. Tuy nhiên, Tòa án có xu hướng hạn chế các điều khoản này vì chúng vi phạm nguyên tắc tự do chuyển nhượng quyền[33]. Thật vậy, khi điều khoản liên quan đến việc cấm hoàn toàn việc chuyển giao lợi nhuận từ hợp đồng sang cho bên thứ ba (hoặc chỉ được chuyển giao với sự đồng ý của bên kia), nó sẽ bị thẩm phán coi đó là điều khoản “xóa bỏ quyền”. Nếu việc chuyển giao được thực hiện bất chấp các bên có điều khoản cấm chuyển giao, thì bên có nghĩa vụ có thể yêu cầu bên chuyển giao bồi thường thiệt hại vì vi phạm điều khoản không chuyển giao, nhưng việc chuyển giao vẫn có hiệu lực trong mối quan hệ giữa bên nhận chuyển giao và bên có nghĩa vụ[34].
Ngoài ra, Restatement Second of Contracts còn thừa nhận một số nguyên tắc giải thích bất lợi đối với các điều khoản hạn chế khả năng chuyển giao quyền phát sinh từ hợp đồng. Thật vậy, điều khoản “cấm CGHĐ” phải được hiểu như là chỉ cấm việc chuyển giao các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng, chứ không thể được hiểu như là việc cấm chuyển giao các quyền phát sinh từ hợp đồng đó. Điều khoản cấm chuyển giao quyền phát sinh từ hợp đồng phải được hiểu là trao cho bên có nghĩa vụ quyền được đòi bồi thường thiệt hại trong trường hợp việc chuyển giao được thực hiện bất chấp điều khoản cấm chuyển giao, chứ không phải là nguyên nhân làm việc chuyển giao vô hiệu. Tương tự, một điều khoản như vậy không cấm việc chuyển giao quyền đòi bồi thường, trong trường hợp vi phạm hợp đồng, cũng như các quyền được thừa nhận cho bên chuyển giao sau khi anh ta đã thực hiện toàn bộ các nghĩa vụ của mình[35]. Cuối cùng, một điều khoản như vậy phải được hiểu như là được ký kết vì lợi ích của bên có nghĩa vụ, và như vậy, nó không thể ngăn cản bên nhận chuyển giao quyền thực hiện các quyền đối với bên chuyển giao, cũng như không thể được hiểu là điều khoản cấm bên có nghĩa vụ thực hiện các nghĩa vụ của mình đối với bên nhận chuyển giao.
Việc chuyển giao nghĩa vụ tại Mỹ có thể được thực hiện thông qua hai cách: ủy nhiệm và thay thế nghĩa vụ (novation). Ủy nhiệm thực hiện nghĩa vụ được định nghĩa là sự chỉ định bởi một bên trong hợp đồng, gọi là bên ủy nhiệm (obligor delegor) một người thứ ba (gọi là delegee) thực hiện thay cho mình nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng. Bên thụ trái các nghĩa vụ được chuyển giao được gọi là obligee[36]. Bên nhận ủy nhiệm thực hiện nghĩa vụ trở thành người có nghĩa vụ đối với bên có quyền. Tuy nhiên, việc ủy nhiệm không giải phóng hoàn toàn người có nghĩa vụ ban đầu. Còn thay thế nghĩa vụ (novation) là một thỏa thuận ba bên (three-party agreement) theo đó người có quyền đồng ý giải phóng người có nghĩa vụ ban đầu, chấp nhận cho người thứ ba thế vào vị trí của người có nghĩa vụ.
Có một nguyên tắc được Tòa án của Mỹ chấp nhận rộng rãi là mọi nghĩa vụ hợp đồng đều có thể được chuyển giao thông qua ủy nhiệm, trừ phi người có quyền chứng minh được rằng việc chuyển giao nghĩa vụ ảnh hưởng đến lợi ích cơ bản của mình (substantial interest) và rằng,chỉ có việc thực hiện nghĩa vụ bởi người có nghĩa vụ ban đầu mới đảm bảo được lợi ích mong đợi từ việc ký kết hợp đồng[37]. Quy định này chủ yếu liên quan đến các nghĩa vụ gắn liền với phẩm chất cá nhân của người giao kết (“skill, wisdom, taste or character of the person originally agreeing to tender performance”)[38]. Như vậy, đối với các nghĩa vụ mà việc thực hiện nó gắn liền với phẩm chất cá nhân của người có nghĩa vụ thì pháp luật Mỹ ưu tiên loại chuyển giao không giải phóng nghĩa vụ. Thật vậy, trong vụ Crane Ice Cream Co. v Terminal Freezing & Heating Co.,[39], thẩm phán đã không chấp nhận việc chuyển giao nghĩa vụ cung ứng hàng hóa vì bên mua (bên có quyền) sẽ không thể có được đầy đủ lượng hàng hóa mà anh ta cần, trong khi đối tượng được chuyển giao lại là một requirement contract, nghĩa là một hợp đồng cung ứng theo đó bên cung ứng cam kết bán toàn bộ lượng hàng hóa mà người mua cần.
Khi một văn bản được coi là một CGHĐ, người ta có xu hướng coi đó là một văn bản ủy nhiệm[40], và việc chấp nhận chuyển giao là một chấp nhận sự ủy nhiệm, nghĩa là sự thừa nhận bởi người có quyền rằng anh ta chấp nhận một người có nghĩa vụ đối với mình thay thế cho người có nghĩa vụ ban đầu. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, việc CGHĐ có hậu quả là chuyển giao cho người nhận chuyển giao toàn bộ các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng. Tuy nhiên, bên có nghĩa vụ ban đầu không được giải phóng hoàn toàn khỏi nghĩa vụ.
4. Bổ sung chế định chuyển giao hợp đồng vào pháp luật Việt Nam
Những phân tích ở trên cho thấy, đa số các nước đều chấp nhận việc CGHĐ. Để tránh xảy ra các tranh chấp liên quan đến giao dịch rất hay được thực hiện này, thiết nghĩ cần bổ sung một quy định chung về CGHĐ vào BLDS của Việt Nam.
Hệ thống luật của Anh-Mỹ có xu hướng cởi mở hơn đối với CGHĐ. Mặc dù cả hai hệ thống luật châu Âu lục địa và luật Anh-Mỹ đều đòi hỏi việc CGHĐ phải được thực hiện với sự đồng ý của tất cả các bên tham gia, nhưng nếu như hệ thống luật lục địa coi việc CGHĐ là ngoại lệ của nguyên tắc hiệu lực bất biến, thì hệ thống luật Anh-Mỹ lại cho rằng về nguyên tắc mọi quyền và nghĩa vụ đều có thể chuyển giao được. Vì thế, trong suốt một thời gian dài, tại các nước theo hệ thống pháp luật lục địa, như Pháp chẳng hạn, nếu hợp đồng có quy định về việc cấm chuyển giao, thì một bên có quyền từ chối việc chuyển giao thực hiện bởi bên kia mà không cần giải thích gì thêm. Trong khi đó, tại Anh-Mỹ, bên từ chối chuyển giao phải chứng minh việc chuyển giao sẽ gây cho anh ta bất lợi. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các thẩm phán của các nước theo hệ thống luật lục địa, mặc dù vẫn giữ vững nguyên tắc hiệu lực bất biến của hợp đồng, nhưng khi xem xét các tranh chấp liên quan đến CGHĐ lại thiết lập cơ chế chống lạm quyền. Cũng như mọi quyền khác, bên có quyền từ chối CGHĐ không được lạm quyền của mình, mà phải thực hiện nó trên cơ sở thiện chí và hợp tác, vốn là những nguyên tắc cơ bản của việc thực hiện hợp đồng. Như vậy, đã có sự xích lại gần nhau của hai hệ thống luật trong vấn đề CGHĐ.
Chúng tôi cho rằng, chỉ nên quy định việc chuyển giao đối với loại hợp đồng song vụ mà việc thực hiện kéo dài trong thời gian, bởi lẽ đối tượng chính của CGHĐ là sự dịch chuyển quyền và nghĩa vụ của một bên trong hợp đồng sang cho một người mà trước đó là bên thứ ba. Hợp đồng song vụ có thể được chuyển giao nếu sự chuyển giao này không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của các bên. Các bên chỉ cần thông báo cho nhau về việc chuyển giao mà không cần giải thích gì thêm. Tuy nhiên, đối với các hợp đồng mà việc thực hiện gắn liền với phẩm chất, năng lực của các bên giao kết (intuitu personae)[41], thì sự đồng ý của bên còn lại trong hợp đồng là điều kiện tiên quyết cho sự chuyển giao. Bên còn lại có thể từ chối sự chuyển giao, nhưng phải chứng minh rằng việc thay đổi đối tác sẽ gây bất lợi đến việc tiếp tục thực hiện hợp đồng. Các bên có thể thể hiện ý chí của mình về việc chuyển giao hay không CGHĐ vào thời điểm giao kết hợp đồng thông qua một điều khoản quy định rõ các khả năng này, hoặc vào thời điểm thực hiện việc CGHĐ./.
TS. NGÔ QUỐC CHIẾN – Đại học Ngoại thương, thành viên Trung tâm nghiên cứu Luật quốc tế và châu Âu, Đại học François-Rabelais, Cộng hòa Pháp