vi-VNen-US
Hotline: 0913460889 (Mr. Thơ – Luật sư)

Thủ tục lập di chúc cho con ở nước ngoài thừa kế tài sản tại Việt Nam

14/02/2014 08:58        

Câu hỏi:

Xin hướng dẫn giúp thủ tục về việc cha mẹ lập di chúc cho con thừa kế tài sản tại Việt Nam. Nếu người con mang quốc tịch Việt Nam, có hộ chiếu Việt Nam và đang sinh sống ở nước ngoài thì thủ tục có khác gì không?

 Trả lời:

A. Di chúc để lại tài sản cho con cái tại Việt Nam:

Theo quy định tại Điều 653 của Bộ Luật Dân sự hiện hành (BLDS), di chúc để lại di sản thừa kế cho con cái được coi là hợp pháp khi có đủ các nội dung sau:

  • Ngày, tháng, năm lập di chúc;
  • Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
  • Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
  • Di sản để lại và nơi có di sản;
  • Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.
  • Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Sau khi lập di chúc, người lập có thể nhờ người ký làm chứng hoặc có thể thực hiện thủ tục công chứng tại các Phòng/Văn phòng Công chứng đang hoạt động hoặc thực hiện thủ tục chứng thực tại UBND địa phương nơi người lập di chúc cư trú.

Lưu ý:

1. Theo Điều 659 BLDS, trong trường hợp nhờ người làm chứng trong di chúc thì phải bảo đảm người đó không thuộc những người sau đây:

  • Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
  • Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;
  • Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự.

2. Điều 658 BLDS quy định trường hợp di chúc được lập tại cơ quan công chứng hoặc UBND, thủ tục thực hiện như sau:

Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân ký vào bản di chúc;

Trong trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân. Công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.

B. Di chúc để lại tài sản cho con cái quốc tịch Việt Nam nhưng sống ở nước ngoài:

Việc di chúc để lại cho con cái hoàn toàn phụ thuộc vào ý nguyện của cha hoặc mẹ, không cần có ý kiến của người được hưởng di sản. Việc người hưởng di sản có quốc tịch Việt Nam ở trong hay ngoài nước không ảnh hưởng đến quyền lợi thừa kế của họ và nếu họ đang sinh sống ở nước ngoài, thủ tục lập di chúc không có gì khác biệt so với những nội dung đã được đề cập ở phần trên.

Trân trọng.