vi-VNen-US
Hotline: 0913460889 (Mr. Thơ – Luật sư)

Bình luận về tội danh qua một vụ án

22/08/2013 16:32        

VIỆT QUỲNH
Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội

Tạp chí Tòa án nhân dân số 11/2002 có đăng bài “Phạm Văn Toản phạm tội giết người hay giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh?” của tác giả Huy Anh. Sau khi đọc và nghiên cứu nội dung vụ án, chúng tôi xin trao đổi với tác giả và bạn đọc. Để bạn đọc tiện theo dõi, xin tóm tắt nội dung vụ án như sau:

Vào khoảng 19 giờ ngày 31/7/2002, Phạm Văn Toản, Nguyễn Văn Giáp, Phạm Tân Phong và Lê Thanh Hải đều là sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Đắc Lắc rủ nhau ra quán ở ngã ba EaKao, phường EaTam, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc đánh bi da. Lúc đó, bàn bi da bên cạnh có Đinh Văn Khoa và Toản đã có lời qua tiếng lại dẫn đến cãi nhau và định đánh nhau, được mọi người can ngăn nên Toản, Hải và Giáp ra về nhà trọ ở đường Oi Ắt để nghỉ và học bài. Một lát sau, Toản xuống bếp lấy một con dao Thái Lan (loại dao nhỏ, nhọn để dùng gọt hoa quả) và đi ra ngoài, đến gần đường Lê Duẩn thì dừng lại ở đó. Giáp và Hải ở nhà thấy Toản đi lâu về nên lấy xe Honda đi tìm. Khi đến ngã ba đường Lê Duẩn rẽ vào đường Oi Ắt thì thấy Toản đứng ở đó. Cùng lúc này, Đinh Văn Khoa đang đứng ở trước nhà 431 Lê Duẩn (khu vực Khoa đang ở) cùng với Phạm Văn Phượng, Thiều Quang Khoa, Lê Văn Thuận và Phạm Anh Tuấn. Thấy mấy người đi xe máy dừng lại ở đường Oi Ắt, Đinh Văn Khoa nói với các bạn là: “Bọn kia vừa mới gây sự với Khoa ở bàn bi da, bây giờ qua xem mặt tụi nó ra sao”. Nói xong Khoa đi trước, Phượng, Tuấn, Thuận và Thiều Quang Khoa đi sau. Khi vừa đi đến chỗ Toản, Giáp và Hải đứng thì Khoa và Toản to tiếng với nhau. Khoa cầm cổ áo đấm vào mắt Toản và kéo Toản xuống làm Toản bị ngã. Khoa rút một vật nhọn dài chừng 30 – 40cm màu đen trong người đâm sướt vai phải của Toản. Lúc đó, Toản liền dùng dao dấu sẵn trong người ra đâm Khoa một nhát vào mạn sườn bên trái làm Khoa gục xuống. Tuấn đứng gần đó thấy vậy cầm gậy đuổi đánh Toản và Toản quăng dao bỏ chạy. Tuấn quay lại cùng với các bạn đưa Khoa đi cấp cứu nhưng Khoa đã chết. Kết quả giám định pháp y xác định Đinh Văn Khoa bị một vết thương rách da hình elíp kích thước 4 x 2cm ở trên đường lách trái, cách vai trái 14cm đi xuyên vào lồng ngực gây đứt xương sườn số 7 trái ở cung trước, rách cơ hoành, rách ngoài màng tim, rách mỏm tim xuyên tới tâm nhĩ phải kích thước 7 x 2cm và chết do vết thương tim bởi vật sắc nhọn gây ra. Toản bị một vết thương rách da dài khoảng 6cm, sâu 0,5cm bờ mép sắc gọn ở vai phải, khuỷu tay tráu bầm tụ máu kích thường 15 x 2cm.

Tác giả bài viết có đưa ra hai quan điểm xung quanh việc xác định tội danh đối với bị cáo Phạm Văn Toản. Quan điểm thứ nhất, Phạm Văn Toản phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo quy định tại khoản 1 Điều 95 Bộ luật hình sự năm 1999.

Quan điểm thứ hai lại cho rằng Phạm Văn Toản phạm tội giết người theo quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999.

Trên thực tế cũng như trong cấu thành tội phạm của một số tội có các dấu hiệu hành vi khách quan tương tự nhau, ranh giới để phân biệt tội này hay tội kia, có tội và không có tội gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, việc định tội danh giữa các tội phạm đó hay xem xét giữa trường hợp có tội hay không có tội và đặc biệt trong những trường hợp cụ thể cần phải được thực hiện và xem xét một cách khách quan, toàn diện và chỉ ra những đặc điểm phân biệt mới đảm bảo xác định chính xác tội danh được. Chúng tôi không thống nhất với quan điểm của tác giả bài viết đưa ra, có nghĩa Phạm Văn Toản không phạm tội giết người và không phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, mà Phạm Văn Toản phạm tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo quy định tại Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1999.

Về hành vi của Phạm Văn Toản, chúng tôi cho rằng Toản không phạm tội giết người. Bởi lẽ, giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Tuy nhiên, ở đây Toản tước đoạt tính mạng của nạn nhân trong trường hợp nạn nhân có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng: Khi vừa đi đến chỗ Toản, Khoa đã cầm cổ áo đấm vào mắt Toản và kéo Toản xuống làm Toản bị ngã, đồng thời Khoa rút một vật nhọn dài chừng 30 – 40cm màu đen trong người đâm sướt vai phải của Toản. Như vậy, xuất phát từ hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân mà Toản đã có hành vi chống trả bằng cách rút dao trong người đâm Khoa một nhát vào mạn sườn bên trái làm Khoa gục xuống.

Cũng không thể cho rằng Phạm Văn Toản phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được. Bởi lẽ, giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là trường hợp người phạm tội giết nạn nhân trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân, nhưng hành vi trái pháp luật nghiêm trọng này của nạn nhân đã kết thúc (trong trường hợp hành vi trái pháp luật nghiêm trọng xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe). Đây là dấu hiệu để phân biệt tội này với tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Cụ thể, ở hai tội nạn nhân đều có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng, nhưng ở tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì hành vi trái pháp luật đang xảy ra nhưng chưa kết thúc, còn ở tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh thì hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đã kết thúc. Như vậy, hành vi của Toản thỏa mãn dấu hiệu trong cấu thành tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Theo đó, tội phạm thể hiện bằng hành vi cố ý tước đoạt tính mạng người đang có hành vi xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, của tổ chức, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác một cách quá mức cần thiết (hay không cần thiết). Do đó, việc xác định các dấu hiệu cơ bản của tội phạm này nhất thiết phải căn cứ vào các quy định của pháp luật hình sự quy định về phòng vệ chính đáng. Bởi lẽ, không có phòng vệ chính đáng thì không có vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Theo quy định tại Điều 15 Bộ luật hình sự năm 1999 thì “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”. Như vậy, mục đích của người có hành vi phòng vệ chính đáng là nhằm bảo vệ các lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, đồng thời chống trả lại một cách cần thiết cho chính người có hành vi tấn công, và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng có nghĩa sự chống trả một cách quá mức cần thiết (hay không cần thiết).

Đối chiếu với nội dung vụ án hành vi của Phạm Văn Toản thỏa mãn các dấu hiệu của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng về chính đáng. Bởi lẽ:

Thứ nhất, hành vi tấn công đang xâm hại lợi ích hợp pháp – cơ sở làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng. Xuất phát từ hành vi tấn công thì làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng và nếu không có hành vi tấn công xâm hại các lợi ích hợp pháp thì không có phòng vệ chính đáng. Ở đây, hành vi của Khoa tấn công Toản (đấm, đâm) vẫn đang xảy ra và chưa kết thúc. Ngoài ra, Khoa lại là người đã chủ động đến phía Toản, hai bên to tiếng với nhau, Khoa đã cầm cổ áo đấm vào mắt Toản và kéo Toản xuống làm Toản bị ngã, đồng thời Khoa rút một vật nhọn dài chừng 30 – 40cm màu đen trong người đâm sướt vai phải của Toản và hai bên đánh nhau. Như vậy, hành vi của Khoa đang trực tiếp đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của Toản, thì Toản buộc lòng phải chống trả (chống đỡ) hành vi trái pháp luật đó nên khẳng định – có cơ sở để phát sinh quyền phòng vệ chính đáng của Toản.

Thứ hai, hành vi tấn công phải có thật và đang diễn ra chứ không phải do suy đoán tưởng tượng. Sự tấn công phải có thật, có nghĩa là sự xâm hại đối với những lợi ích được pháp luật bảo vệ đang gây thiệt hại thực sự hoặc đe dọa ngay tức khắc cho những lợi ích hợp pháp cần được pháp luật bảo vệ. Đối chiếu với nội dung vụ án cho thấy, Khoa đã chủ động cầm cổ áo tấn công Toản và kéo Toản xuống làm Toản bị ngã, đồng thời Khoa rút một vật nhọn tấn công liên tiếp, chính vì vậy, hành vi tấn công này là có thật, đang diễn ra và đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của Toản (giả sử nếu Khoa đâm không phải sượt vai Toản thì sao, khó mà lường trước được điều gì xảy ra, nhất là vật nhọn màu đen dài 30 – 40cm và khoảng cách giữa hai người tương đối gần nhau).

Thứ ba, phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công mà còn có thể phải gây thiệt hại cho chính người đang có hành vi tấn công. Luật hình sự nước ta quy định hành vi phòng vệ phải gây thiệt hại cho chính người đang có hành vi tấn công chứ không được gây thiệt hại cho lợi ích của người khác. Quy định này xuất phát từ mục đích của phòng vệ chính đáng, muốn ngăn chặn được sự tấn công bảo vệ được lợi ích hợp pháp người có hành vi phòng vệ phải hướng sự chống trả của mình vào việc gây thiệt hại cho người đang có hành vi tấn công. Có như vậy nguồn gốc làm phát sinh hành vi tấn công xâm hại lợi ích hợp pháp mới bị loại trừ tận gốc. Do đó, hành vi chống trả (phản ứng) của Toản, hành vi rút dao đâm một nhát trúng tim của Khoa, tước đoạt mạng sống của Khoa thỏa mãn điều kiện thứ ba – gạt bỏ sự tấn công và chống trả lại chính người đang có hành vi tấn công mình, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mình vì lúc đó Khoa đang dùng vật nhọn đâm mình và cố ý đâm nhưng may là trượt và không có thể khẳng định trước rằng Khoa sẽ không tiếp tục tấn công (đâm) tiếp hay không.

Và cuối cùng, hành vi phòng vệ chỉ được coi là chính đáng khi hành vi đó là hành vi chống trả cần thiết và ngược lại, người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng khi hành vi chống trả rõ ràng là quá mức cần thiết (không cần thiết). Đây là một vấn đề rất phức tạp cả trong lý luận cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật để xác định chính xác tính chất cần thiết nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại các quyền, lợi ích hợp pháp được luật hình sự bảo vệ.

Để xác định hành vi phòng vệ là cần thiết hay không cần thiết thì điều đó có nghĩa là trong những điều kiện, thời gian, địa điểm và những hoàn cảnh cụ thể xảy ra sự việc, người có hành vi phòng vệ trên cơ sở tự đánh giá về tính chất quan hệ xã hội bị xâm hại, tính chất và mức độ nguy hiểm của công cụ, phương tiện phạm tội, nhân thân người có hành vi xâm hại, cường độ của sự tấn công cũng như những yếu tố khác, để quyết định biện pháp chống trả cũng như mức độ chống trả mà người đó cho là “cần thiết” nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại đến các quyền, lợi ích hợp pháp được luật hình sự bảo vệ.

Như vậy, ở đây đánh giá, xem xét hành vi phòng vệ của Toản (rút dao đâm Khoa một cái vào mạn sườn bên trái) có thực sự “cần thiết” hay “vượt quá mức cần thiết” không? Theo chúng tôi, với nội dung vụ án như vậy, hành vi phòng vệ của Toản là “vượt quá mức cần thiết”. Bởi lẽ, đánh giá, xem xét toàn bộ một chuỗi (diễn biến) các sự việc trong vụ án cho thấy hành vi của Toản chống trả rõ ràng là quá đáng, cụ thể là quá quyết liệt và rất nguy hiểm và điều dễ tưởng như Toản chỉ chờ cơ hội nếu bị Khoa tấn công trước là mình ra tay (tấn công) lại ngay, vượt quá yêu cầu cần thiết vì lúc đó Toản có thể lựa chọn giải pháp khác, đồng thời còn hai người bạn của Toản có thể sẽ đến ngay để ứng cứu hoặc can ra để ngăn chặn xô xát. Như vậy, hành vi của Phạm Văn Toản thỏa mãn các dấu hiệu của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

ĐĂNG TRÊN TẠP CHÍ KHPL SỐ 2/2004