vi-VNen-US
Hotline: 0913460889 (Mr. Thơ – Luật sư)

Hoàn thiện các quy định về miễn trách nhiệm hình sự

22/08/2013 14:37        

Miễn TNHS là chế định nhân đạo trong Luật hình sự Việt Nam. Thực hiện những quy định này nhằm tiết kiệm việc áp dụng chế tài của Luật hình sự nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội. Áp dụng đúng chế định này có ý nghĩa quan trọng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đáp ứng mục tiêu của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy vậy, không ít cán bộ tư pháp chưa nhận thức đúng về chế định này, chưa phân biệt chính xác, đầy đủ về những trường hợp “được” miễn TNHS và những trường hợp “có thể được” miễn TNHS, dẫn đến lúng túng khi áp dụng vào quá trình giải quyết vụ án hình sự.

1. Trách nhiệm hình sự (TNHS) là hậu quả pháp lý mà bản thân người phạm tội phải gánh chịu trước Nhà nước do việc thực hiện hành vi phạm tội. Nhà nước có quyền áp dụng chế tài hình sự đối với người phạm tội. Hậu quả là người phạm tội bị áp dụng biện pháp cưỡng chế (hình phạt, biện pháp tư pháp) của Luật hình sự.

Miễn TNHS là chấm dứt TNHS đối với người phạm tội, là Nhà nước không buộc người phạm tội phải gánh chịu hậu quả pháp lý hình sự do việc thực hiện hành vi phạm tội. Miễn TNHS khác với trường hợp không có TNHS hoặc không phải chịu TNHS (vì đây là trường hợp không phạm tội). Miễn TNHS cũng khác với miễn hình phạt về căn cứ, thẩm quyền áp dụng.

Trước năm 1985, chế định miễn TNHS được ghi nhận trong các văn bản pháp quy hình sự đơn hành (Sắc lệnh, Pháp lệnh, Thông tư…) với nhiều tên gọi khác nhau như “tha miễn TNHS”, “miễn tố”, “miễn hết cả tội”… Trong Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1985, chế định miễn TNHS được quy định tại các Điều 16, 48, 74, 227 và 247. Qua thực tiễn áp dụng, chế định miễn TNHS đã được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hơn. Trong BLHS năm 1999, chế định miễn TNHS được ghi nhận tại các Điều 19, 25, 69, 80, 289, 290 và 314. Theo đó, quy định về miễn trách nhiệm hình bao gồm hai loại: quy định có tính chất bắt buộc, tức là dứt khoát “được miễn TNHS” và quy định có tính chất tuỳ nghi, tức là “có thể được miễn TNHS”. Với quy định có tính chất bắt buộc thì khi gặp những trường hợp phù hợp với nội dung của điều luật, cơ quan có thẩm quyền phải miễn TNHS cho người phạm tội. Với quy định có tính chất tuỳ nghi thì cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào từng trường hợp cụ thể mà đánh giá tính chất, mức độ của sự việc và đi đến quyết định miễn TNHS hoặc không miễn TNHS cho người phạm tội.

2. Theo pháp luật hiện hành, người phạm tội “được miễn TNHS” trong các trường hợp được quy định tại đoạn 2 Điều 19 BLHS; khoản 1 Điều 25 BLHS; khoản 3 Điều 25 BLHS; khoản 3 Điều 80 BLHS. Khi có đầy đủ các tài liệu, chứng cứ để xác định rằng người phạm tội thuộc một trong bốn trường hợp này thì cơ quan có thẩm quyền phải miễn TNHS cho họ.

Khoản 1 Điều 23 BLHS quy định: “Thời hiệu truy cứu TNHS là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu TNHS”. Những trường hợp “không bị truy cứu TNHS” do đã hết thời hiệu được quy định tại khoản 2 Điều 23 BLHS là những trường hợp mà lẽ ra người phạm tội phải chịu TNHS (vì có cơ sở của TNHS) nhưng Nhà nước quy định là không truy cứu TNHS đối với họ, thể hiện tính nhân đạo của pháp luật vì qua một thời hạn nhất định họ đã không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, không cần thiết phải áp dụng biện pháp cưỡng chế của Luật hình sự.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 105, điểm b khoản 1 Điều 164, khoản 1 Điều 169 và Điều 180 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì những vụ án hình sự (về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các Điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của BLHS) đã được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất; nếu người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trước ngày mở phiên toà sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ (trừ trường hợp người rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức). Trong trường hợp này, thực chất Nhà nước cũng không truy cứu TNHS với người đã phạm tội.

Miễn TNHS là việc không buộc người phạm tội phải chịu TNHS mà lẽ ra họ phải gánh chịu hậu quả pháp lý hình sự do việc thực hiện tội phạm. Do đó, tất cả những trường hợp mà Nhà nước không truy cứu TNHS mặc dù đã có hành vi phạm tội đều thuộc trường hợp miễn TNHS. Vì vậy, cần bổ sung vào Điều 25 BLHS về miễn TNHS cho “những trường hợp đã hết thời hiệu truy cứu TNHS và những trường hợp đã khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại nhưng người bị hại rút yêu cầu trước ngày mở phiên toà sơ thẩm”.

3. Theo pháp luật hiện hành, người phạm tội “có thể được miễn TNHS” trong các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 25 BLHS; khoản 2 Điều 69 BLHS; khoản 6 Điều 289 BLHS; khoản 6 Điều 290 BLHS; khoản 3 Điều 314 BLHS.

Mặc dù, các trường hợp “có thể được miễn TNHS” được quy định trong 5 điều luật nhưng tính chất pháp lý của các trường hợp này khác nhau. Khoản 2 Điều 25 BLHS quy định: “Trong trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm, thì cũng có thể được miễn TNHS”. Đây là quy định chung cho mọi tội phạm và người phạm tội (gọi tắt là quy định chung). Xét về lô gíc thì bất cứ tội phạm nào, người phạm tội nào nếu thoả mãn các tình tiết được quy định ở đây thì đều có thể được miễn TNHS không kể tội phạm đó là loại tội phạm nào, tội danh gì… Tuy vậy, trong thực tiễn khi áp dụng điều khoản này, cơ quan có thẩm quyền thường miễn TNHS đối với loại tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, còn với loại tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì rất ít trường hợp người tội phạm được miễn TNHS mà chỉ được hưởng các tình tiết giảm nhẹ TNHS khi quyết định hình phạt.

Tại khoản 2 Điều 69, khoản 6 Điều 289, khoản 6 Điều 290 và khoản 3 Điều 314 của BLHS quy định cho một số trường hợp cụ thể (gọi tắt quy định cụ thể) để áp dụng cho người chưa thành niên phạm tội hoặc một số tội phạm nhất định được nêu trong điều luật. Thực tiễn đã gặp nhiều tình huống mà người phạm tội có những tình tiết chỉ thoả mãn quy định cụ thể mà không thoả mãn quy định chung (khoản 2 Điều 25 BLHS); lại có trường hợp thoả mãn cả quy định chung và quy định cụ thể.

Phân tích quy định tại khoản 2 Điều 25 BLHS thì thấy rằng những tình tiết dùng làm căn cứ để “có thể được miễn TNHS” nhiều hơn những tình tiết được quy định trong bốn trường hợp cụ thể. Bốn trường hợp cụ thể được nhà làm luật quy định ít các tình tiết hơn là nhằm tạo cơ hội áp dụng được nhiều hơn vào thực tiễn, mở rộng diện khoan hồng, khuyến khích những người dù đã phạm tội (thuộc những trường hợp cụ thể này) nhưng nếu biết hối lỗi… thì vẫn có cơ hội được miễn TNHS.

Tuy nhiên, khi phân tích các quy định hiện hành thì thấy rằng, dù người phạm tội thuộc bốn trường hợp cụ thể nêu trên mà có thêm các tình tiết thoả mãn cả quy định chung (khoản 2 Điều 25 BLHS) thì họ vẫn chỉ “có thể được” miễn TNHS. Rõ ràng, như vậy là chưa đảm bảo tính công bằng, hợp lý và chưa thực sự khuyến khích người tội phạm thuộc bốn trường hợp cụ thể này có thể yên tâm về khả năng được miễn TNHS để họ ra tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm. Qua thực tiễn áp dụng, cho thấy với những người phạm tội thuộc bốn trường hợp cụ thể nêu trên mà lại thoả mãn các tình tiết quy định tại khoản 2 Điều 25 BLHS thì cơ quan có thẩm quyền thường miễn TNHS đối với họ.

Do đó, cần bổ sung vào khoản 2 Điều 69, khoản 6 Điều 289, khoản 6 Điều 290 và khoản 3 Điều 314 của BLHS thêm một quy định nữa như sau: “Nếu thoả mãn những tình tiết nêu tại khoản 2 Điều 25 của Bộ luật này thì người phạm tội được miễn TNHS”.

4. Hiện nay, Bộ luật tố tụng hình sự không có quy định cụ thể về thẩm quyền miễn TNHS, nhưng thông qua các quy định về thẩm quyền và căn cứ đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án, quy định về thẩm quyền của Toà án được ghi nhận tại các Điều 164, 169, 180, 227, 249, 251, 286 và 314 của Bộ luật tố tụng hình sự thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án có quyền miễn TNHS.

Như trên đã nêu, chế định miễn TNHS được quy định tại Điều 19, Điều 25, khoản 2 Điều 69, khoản 3 Điều 80, khoản 6 Điều 289, khoản 6 Điều 290 và khoản 3 Điều 314 của BLHS. Nhưng theo khoản 2 Điều 164 và khoản 1 Điều 169 của Bộ luật tố tụng hình sự thì cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra và Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ quy định “tại Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 của BLHS” mà không đề cập đến các trường hợp miễn TNHS khác đã được quy định trong BLHS. Cho nên, khi gặp các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 80, khoản 6 Điều 289, khoản 6 Điều 290 và khoản 3 Điều 314 của BLHS thì các cơ quan này không có căn cứ pháp luật tố tụng hình sự để ra quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án dẫn đến khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án. Vì vậy, cần bổ sung, sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 164 Bộ luật tố tụng hình sự là cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi: “Có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và Điều 107 của Bộ luật này hoặc tại Điều 19, Điều 25, khoản 2 Điều 69, khoản 3 Điều 80, khoản 6 Điều 289, khoản 6 Điều 290 và khoản 3 Điều 314 của BLHS”; sửa đổi khoản 1 Điều 169 Bộ luật tố tụng hình sự như sau: “Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và Điều 107 của Bộ luật này hoặc tại Điều 19, Điều 25, khoản 2 Điều 69, khoản 3 Điều 80, khoản 6 Điều 289, khoản 6 Điều 290 và khoản 3 Điều 314 của BLHS”.

Thạc sỹ Lê Văn Toán
Bộ môn Pháp luật - Học viện CSND