vi-VNen-US
Hotline: 0913460889 (Mr. Thơ – Luật sư)

Nguyễn Văn Đ phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” theo khoản 1 Điều 245 Bộ Luật hình sự

22/08/2013 14:26        

Trên chuyên mục “Trao đổi nghiệp vụ” của Cổng thông tin điện tử Toà án nhân dân tối cao có đăng bài viết “Nguyễn Văn Đ phạm tội gì?”. Qua nghiên cứu nội dung vụ án, chúng tôi xin đưa ra quan điểm xử lý của mình, cụ thể như sau: 

Qua các diễn biến tình tiết của vụ án, cho thấy hành vi của Nguyễn Văn Đ đồng thời có những dấu hiệu pháp lý của cả 3 tội được quy định trong BLHS, đó là tội ‘‘Che giấu tội phạm’’, tội ‘‘Không tố giác tội phạm’’ và tội ‘‘Gây rối trật tự công cộng’’. Tuy nhiên, với tính chất và nội dung cụ thể trong vụ án này, theo quan điểm của chúng tôi chỉ có thể xử lý hình sự Nguyễn Văn Đ về một tội danh duy nhất.

Chúng ta hãy cùng xem Đ có phạm tội ‘‘Che giấu tội phạm’’ không? Theo quy định tại Điều 21 và Điều 313 BLHS thì: “Người nào không hứa hẹn trước nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, các dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm”.

Như vậy, về mặt khách quan của tội phạm theo quy định của điều luật sẽ có bốn loại hành vi che giấu trong tội này. Thứ nhất, che giấu người phạm tội được hiểu là chứa chấp, nuôi giấu trong nhà, tìm địa điểm cho người phạm tội ẩn náu, giúp người phạm tội bỏ trốn v.v… Thứ hai, che giấu các dấu vết của tội phạm, ví dụ: tẩy xoá, làm thay đổi, làm mất đi các dấu vết có ý nghĩa rất quan trọng cho việc chứng minh tội phạm. Thứ ba, che giấu tang vật của tội phạm như hành vi che giấu các công cụ, phương tiện dùng vào việc thực hiện tội phạm, tiền hoặc tài sản bị can chiếm đoạt được. Thứ tư, có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội.

H phạm tội giết người, những dấu vết có ý nghĩa quan trọng cho việc chứng minh hành vi giết người của H đó là vết máu trên chiếc quần bò mà H đã mặc khi gây án, con dao gấp nhọn (kích thước dài 12 cm, rộng 1,5 cm, lưỡi nhọn màu trắng) mà H đã dùng để đâm anh M. Do vậy, hành động Đ đã đốt áo khoác mà Đ mặc khi đi cùng H, cạo râu của mình vứt con dao của gia đình Đ có đặc điểm tương tự con dao H dùng đâm chết anh M,… không hề làm thay đổi bản chất hay làm mất đi các dấu vết có ý nghĩa rất quan trọng cho việc chứng minh tội giết người của H. Các hành động trên của Đ thực chất là nhằm mục đích che giấu cho hành vi của chính Đ và sợ liên luỵ khi CQĐT phát hiện ra chứ không phải và cũng không thể coi đó là: “... có những hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội” được, bởi lẽ, chỉ trong thời gian rất ngắn, chưa đến 1 ngày cơ quan điều tra đã điều tra ra thủ phạm.

Vậy Đ có phạm tội “Không tố giác tội phạm không?”. Theo quy định tại Điều 22 và Điều 314 Bộ Luật hình sự thì: “... Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp quy định tại Điều 313 của Bộ luật này”.

Khác với tội Che giấu tội phạm”, tội “Không tố giác tội phạm” quy định ở Điều 22 và Điều 314 BLHS lại chưa đưa ra được định nghĩa pháp lý của khái niệm thế nào là không tố giác tội phạm.

Do đó, không tố giác tội phạm được hiểu là không báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền về một tội phạm mà mình biết rõ (biết chắc chắn, biết chính xác) đang được chuẩn bị thực hiện hoặc đã được thực hiện hoặc biết rõ một kẻ sắp phạm tội hay đã phạm tội rồi nhưng không báo cáo.

Rõ ràng là Đ không trực tiếp chứng kiến việc H dùng dao đâm anh M mà chỉ nghe H kể lại, trong thâm tâm Đ cũng nghĩ là không thể có hậu quả chết người xảy ra được thể hiện qua lời Đ nói với H: “Chắc không chết đâu”. Khoảng 19h 30 phút, sau khi ăn cơm ở nhà Đ, H gọi điện cho bạn là Phan Văn T đi xe máy đến đèo đi. Khoảng 30 phút sau, H về nói  với Đ: “Thằng kia chết rồi”. Như vậy, ngay cả hậu quả chết người xảy ra Đ cũng chỉ biết thông qua lời nói của H chứ không trực tiếp chứng kiến. Trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng không đưa tin về vụ việc này. Ngày 22/12/2011, khi biết T (là người Đ mượn xe máy sử dụng tối 21/12/2011) bị CQĐT triệu tập lấy lời khai, Đ đã “kể chuyện cho bố, mẹ và vợ Đ việc Đ đi cùng H và việc H đâm chết người”. Ở đây, chỉ có thể coi hành vi của Đ là chưa báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền biết về hành vi của H, chứ không phải là không báo cáo vì sau khi nghe được thông tin anh M chết, Đ ngay lập tức đã nói  cho những người thân của mình biết chuyện việc Đ đi cùng H và việc H đâm chết người. Vấn đề đặt ra là tại sao Đ không kể ngay chuyện H đâm chết người? Câu trả lời là vì Đ không muốn để những người thân của mình rơi vào tình trạng lo lắng giống như mình. Vụ án xảy ra vào khoảng 17h30 phút ngày 21/12/2011, đến ngày 22/12/2011, Cơ quan điều tra đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với H và Đ. Như vậy, chỉ trong thời gian chưa đến 1 ngày cơ quan điều tra đã điều tra ra thủ phạm. Xét về mặt tâm lý tội phạm học thì sau khi thấy hậu quả chết người xảy ra có liên quan đến mình thì Đ sẽ rất hoang mang, lo lắng, thậm chí là hoảng sợ. Với một khoảng thời gian ngắn như vậy, chắn chắn Đ chưa thể “tĩnh tâm” để xác định mình nên hoặc cần phải làm gì tiếp theo. Cũng không loại trừ giả thiết khả năng Đ cũng đã nghĩ đến việc phải ra trình báo các cơ quan có thẩm quyền về vụ việc nhưng lại chưa kịp thực hiện việc đó.

Có một chi tiết rất quan trọng nữa, đó là: Khi Lê Ngọc H cầm dao đuổi đâm anh M, thì  Đ cũng chạy theo H 2-3 bước với mục đích để can ngăn H. Cho dù tình tiết này không có ý nghĩa nhiều trong việc xác định tội danh, nhưng cũng cho ta thấy việc Đ “bị” cuốn vào vòng quay tố tụng là điều rất đáng tiếc. Khi Đ chạy theo H thì bị 1 người (chưa rõ là ai) đá vào mông, Đ quay lại đuổi theo người người thanh niên vào trong cổng thì bị một số người trong cổng ném gạch. Đ cầm gạch ném nhau với những người trên. Trong suốt quá trình diễn biến của vụ việc có thể thấy rõ Đ gần như hoàn toàn ở thế “bị động”.

Bởi vậy, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm cho rằng hành vi của Đ chỉ phạm tội ‘‘Gây rối trật tự công cộng’’, do Đ cùng một số đối tượng đã có hành vi đánh nhau, ném gạch đá,... gây mất trật tự nơi công cộng dẫn đến hậu quả anh M đã bị chết, theo khoản 1 Điều 245 Bộ Luật hình sự và điểm d tiểu mục 5.1 của Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS.

Nguồn: Trần Mỹ Sơn - VKSND tỉnh Hoà Bình