vi-VNen-US
Hotline: 0913460889 (Mr. Thơ – Luật sư)

Thẩm quyền giải quyết của Toà án

10/01/2014 14:36        
Câu hỏi:

Trong hợp đồng kinh tế, các bên thỏa thuận chọn một Tòa án cụ thể trước để giải quyết vụ án khi có tranh chấp xảy ra. Việc lựa chọn có phù hợp với quy định pháp luật không? Nếu không thì Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết?

Trả lời:
Chào bạn, trường hợp bạn hỏi chúng tôi xin được trả lời như sau:

Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ. Tại Điểm b, Khoản 1, Điều này cho phép các bên thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết vụ án khi có tranh chấp.

Như vậy, việc thỏa thuận trong hợp đồng chọn Tòa án có thẩm quyền giải quyết chỉ có hiệu lực khi thỏa mãn các điều kiện sau:

- Phải là Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc Tòa án nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức (luôn luôn là Tòa án nơi nguyên đơn cư trú hoặc có trụ sở).

- Việc lựa chọn đó không trái với quy định về thẩm quyền được quy định tại Điều 33 và Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự tức là phải đúng qui định về cấp Tòa án có thẩm quyền.

Do đó, trường hợp lựa chọn trước Tòa án giải quyết tranh chấp trong hợp đồng kinh tế mà không thoả mãn các điều kiện nêu trên thì không đúng với quy định tại Khoản 1, Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự và Tòa án có quyền không chấp nhận sự chọn trước đó (trừ trường hợp trước khi khởi kiện, các bên có văn bản thỏa thuận lại phù hợp với các điều kiện trên).

Nếu việc thỏa thuận chọn trước một Tòa án cụ thể giải quyết mà không đúng thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án được xác định là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức được quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự, trừ trường hợp nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Ví dụ: Công ty A có trụ sở tại quận Ba Đình, Hà Nội ký hợp đồng bán hàng hóa cho công ty B có trụ sở tại Quận 1 thành phố Hồ Chí Minh. Trong hợp đồng có điều khoản thỏa thuận khi có tranh chấp thì Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết. Do công ty A vi phạm hợp đồng, nên công ty B căn cứ thỏa thuận trong hợp đồng nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu giải quyết vụ án. Đây là trường hợp chọn không đúng. Bởi lẽ vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện, nên Tòa án nhân dân Quận 1 thành phố Hồ Chí Minh hoặc Tòa án nhân dân quận Ba Đình thành phố Hà Nội mới là đối tượng được lựa chọn theo quy định về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ

Trân trọng.