vi-VNen-US
Hotline: 0913460889 (Mr. Thơ – Luật sư)

Di chúc của người Hoa không biết tiếng Việt lập tại Phòng công chứng

22/07/2013 15:28        

Câu hỏi:

Bà nội em là người Hoa, không biết tiếng Việt. Năm 80 tuổi bà đã lập di chúc tại Phòng công chứng. Di chúc có 2 người chứng: người thứ nhất là người Hoa biết nói tiếng Việt; người thứ 2 là người Việt không biết tiếng Hoa. Vậy khi người chứng thứ nhất đọc lại tờ di chúc cho bà nghe thì làm sao biết được người đó đọc đúng nội dung tờ di chúc không? Mà người làm chứng thứ nhất này lại là em vợ của người được hưởng di sản theo di chúc. Và khi bà làm di chúc, người không có quyền hưởng di sản theo di chúc lại không có mặt để được nghe ý nguyện cuối cùng của bà. Vậy di chúc này có hợp pháp hay không?

Trả lời:

Trong câu hỏi của bạn có ba vấn đề đặt ra: Một là việc bà bạn là người Hoa, không biết tiếng Việt; Hai là người làm chứng thứ nhất là em vợ của người được hưởng di sản theo di chúc; Ba là khi bà làm di chúc, người không có quyền hưởng di sản theo di chúc lại không có mặt để được nghe ý nguyện cuối cùng của bà.

Vấn đề thứ nhất:

Điều 10 Luật Công chứng quy định: Tiếng nói và chữ viết dùng trong công chứng là tiếng Việt. Luật Công chứng không có quy định cụ thể đối với trường hợp người yêu cầu công chứng không thông tạo tiếng Việt nên trên thực tế, các Phòng công chứng/ Văn phòng công chứng thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 12 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về Công chứng, chứng thực quy định về ngôn ngữ sử dụng trong hoạt động công chứng, chứng thực như sau: Người yêu cầu công chứng, chứng thực không thông thạo tiếng Việt, thì phải có người phiên dịch. Người phiên dịch phải: (i) là người thông thạo tiếng nước ngoài cần dịch; (ii) cam đoan và chịu trách nhiệm về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch.

Đối chiếu với trường hợp của bạn thì: Bà bạn là người Hoa không biết tiếng Việt nên khi lập di chúc tại Phòng công chứng thì bà bạn hoặc Phòng công chứng phải mời người làm chứng. Theo thông tin mà bạn cung cấp thì trong di chúc của bà bạn lập có hai người làm chứng trong đó có người làm chứng thứ nhất là người Hoa biết nói tiếng Việt nên người làm chứng thứ nhất chính là người phiên dịch cho bà bạn. Người này sẽ phải cam đoan trước công chứng viên công chứng di chúc về việc dịch chính xác, đầy đủ nội dung di chúc cho bà của bạn; và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những cam đoan đó. Nếu cho rằng người này không đọc đúng nội dung tờ di chúc cho bà bạn nghe thì bạn phải có chứng cứ để chứng minh.

Vấn đề thứ hai:

Việc người làm chứng thứ nhất là em vợ của người được hưởng di sản theo di chúc:

Ðiều 654 Bộ luật Dân sự quy định về người làm chứng cho việc lập di chúc như sau: Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:

- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;

- Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;

- Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự.

Khoản 2 Điều 9 Luật Công chứng cũng có quy định: Người làm chứng phải có đủ các điều kiện sau đây:

- Từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

- Không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ về tài sản liên quan đến việc công chứng.

Trong câu hỏi của bạn chỉ nêu người làm chứng thứ nhất là em vợ của người được hưởng di sản trong di chúc mà không nêu rõ: người được hưởng di chúc là ai, người làm chứng thứ nhất có quan hệ gì với bà bạn, người làm chứng có quyền, nghĩa vụ gì liên quan đến tài sản của bà bạn hay không… Vì vậy, căn cứ vào quy định về người làm chứng nêu trên, bạn có thể tìm những căn cứ chứng minh việc người làm chứng thứ nhất này là không phù hợp theo quy định của pháp luật.

Ví dụ như: Người làm chứng thứ nhất này có phải là một trong những người thừa kế theo pháp luật của bà bạn hay không (theo Điều 676 Bộ luật Dân sự: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại).

Hoặc, người làm chứng đó đã đủ 18 tuổi chưa và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hay không...

Vấn đề thứ ba:

Khi bà làm di chúc, người không có quyền hưởng di sản theo di chúc lại không có mặt để được nghe ý nguyện cuối cùng của bà.

Chúng tôi không rõ “người không có quyền hưởng di sản theo di chúc” mà bạn nói ở đây là người nào. Nhưng cho dù người đó là ai thì việc người đó không có mặt khi bà bạn lập di chúc để nghe ý nguyện cuối cùng của bà cũng không làm ảnh hưởng đến tính hợp pháp cũng như hiệu lực của di chúc. Điều kiện để di chúc được coi là hợp pháp được quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự:

- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

- Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

Với những phân tích trên đây thì chúng tôi chưa thể khẳng định di chúc của bà bạn có hợp pháp hay không. Nếu cho rằng di chúc đó không hợp pháp thì bạn phải có đầy đủ căn cứ chứng minh. Nếu có đầy đủ căn cứ thì gia đình bạn có thể gửi đơn đến Tòa án để yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu theo quy định tại Điều 6 và Điều 45 Luật Công chứng (Công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị Toà án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật). Trong trường hợp di chúc đó bị Tòa án tuyên bố vô hiệu thì tài sản theo di chúc của bà bạn sẽ được chia cho những người thừa kế theo pháp luật của bà bạn (theo Điều 676 Bộ luật Dân sự).