vi-VNen-US
Hotline: 0913460889 (Mr. Thơ – Luật sư)

TƯ VẤN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

08/02/2014 10:13        


1. Đăng ký nhãn hiệu

Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, các nhân khác nhau. Dấu hiệu dùng để phân biệt đó phải nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hành ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Dấu hiệu nhìn thấy được có thể được bảo hộ là nhãn hiệu nếu dấu hiệu đó có khả năng phân biệt, không lừa dối người tiêu dùng, và không có khả năng xung đột với các quyền đã được xác lập sớm hơn của các đối tượng khác như nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, hoặc kiểu dáng công nghiệp của chủ thể khác.
Theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005, nhãn hiệu được xác lập quyền  trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ hoặc công nhận đăng ký quốc tế của Cục Sở hữu trí tuệ (trừ trường hợp là nhãn hiệu nổi tiếng). Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam muốn được hưởng quyền đối với nhãn hiệu phải trực tiếp làm đơn xin cấp văn bằng bảo hộ nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ hoặc uỷ quyền cho một Tổ chức đại diện sở hữu trí tuệ đã được cấp chứng chỉ hành nghề thực hiện các công việc liên quan.

Quyền đối với nhãn hiệu được ghi nhận theo phạm vi lãnh thổ quốc gia, nhãn hiệu đã đăng ký tại Việt Nam hoặc ở một quốc gia bất kỳ chỉ được bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam hoặc quốc gia đó. Để được bảo hộ ở một nước ngoài, nhãn hiệu phải được đăng ký hoặc sử dụng ở nước ngoài đó. Tuy nhiên, tùy thuộc vào luật pháp của nước đó quy định quyền đối với nhãn hiệu phát sinh thông qua đăng ký hay sử dụng nhãn hiệu.

Để đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam có thể thực hiện theo nhiều cách:

(i)      Đăng ký trực tiếp ở từng nước;

(ii)      Hoặc đăng ký qua hệ thống đăng ký quốc tế Madrid bằng cách nộp một đơn duy nhất trong đó có chỉ định các nước xin đăng ký, Nếu đăng ký theo Madrid, trước hết nhãn hiệu phải đã được nộp đơn đăng ký hoặc đã được đăng ký tại Việt Nam tùy thuộc vào các nước xin bảo hộ thuộc khối Madrid Protocol hay khối Madrid Agreement.

2. Định giá thương hiệu

Định giá thương hiệu là nhằm mục đích giúp các doanh nghiệp xác định giá trị thị trường của thương hiệu để phục vụ cho các hoạt động quan trọng khác của doanh nghiệp.

3. Sáng chế – giải pháp hữu ích

Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Sáng chế được bảo hộ dưới hai hình thức cơ bản:

(i) Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện: có tính mới, trình độ sáng tạo, và có khả năng áp dụng công nghiệp;

(ii) Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện: có tính mới và có khả năng áp dụng công nghiệp.

Theo Luật Sở hữu trí tuệ không phải tất cả các lĩnh vực công nghệ đều là đối tượng bảo hộ của sáng chế. Ví dụ, phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học, chương trình máy tính, cách thức thể hiện thông tin phương pháp phòng ngừa, chuẩn đoán và chữa trị bệnh cho người và động vật, …không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế.

Theo Luật Sở hữu trí tuệ, quyền đối với sáng chế được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ. Người muốn được hưởng quyền đối với sáng chế phải trực tiếp làm đơn xin cấp văn bằng bảo hộ và nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ hoặc uỷ quyền cho một Tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp đã được cấp chứng chỉ hành nghề để thực hiện các công việc liên quan.

4. Kiểu dáng công nghiệp

Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện qua hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này. Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu có tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp.  Theo qui định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, một số đối tượng không được bảo hộ với tư cách là kiểu dáng công nghiệp, ví dụ, hình dáng bên ngoài được quyết định hoàn toàn bởi chức năng của sản phẩm, hình dáng bên ngoài của các công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp, hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.
Kiểu dáng công nghiệp được xác lập quyền trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ. Người muốn được hưởng quyền đối với kiểu dáng công nghiệp phải trực tiếp nộp đơn xin cấp văn bằng bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ hoặc uỷ quyền cho một Tổ chức đại diện sở hữu trí tuệ đã được cấp chứng chỉ hành nghề  để thực hiện các công việc có liên quan.

5. Quyền tác giả – Quyền liên quan

Quyền tác giả là quyền của tổ chức, các nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả được ghi nhận cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học như sách, bài giảng, tác phẩm âm nhạc, tác phẩm sân khấu, tác phẩm điện ảnh, tác phẩm tạo hình và mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm nhiếp ảnh, tác phẩm kiến trúc, phần mềm máy tính. Quyền tác giả tự động phát sinh từ thời điểm tác phẩm được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định, bất kể tác phẩm đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.

Quyền liên quan là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

Mặc dù không phải là yêu cầu bắt buộc để được thụ hưởng quyền, nhưng đăng ký quyền tác giả / quyền liên quan với Cục Bản quyền tác giả – văn học nghệ thuật sẽ mang lại thuận lợi cho người được ghi nhận là tác giả / chủ sở hữu khi có tranh chấp xảy ra.

6. Li xăng / chuyển nhượng

Cùng với hoạt động xác lập quyền thì li –xăng / chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ là một trong các quyền lợi gắn liền với hoạt động của doanh nghiệp.

7. Nhượng quyền thương mại

Nhượng quyền thương mại (franchise) là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện nhất định. Hợp đồng nhượng quyền thương mại là hợp đồng hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng một sản phẩm hoặc một quy trình hoạt động là một đối tượng sở hữu công nghiệp và đang được bảo hộ. Nhượng quyền thương mại liên quan đến chuyển giao công nghệ, nhãn hiệu hàng hóa hoặc các đối tượng sở hữu trí tuệ khác.

8. Khiếu nại sở hữu trí tuệ

Khiếu nại liên quan đến việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ là nhằm đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của khách hàng được bảo hộ phù hợp với các qui định của pháp luật hiện hành trước các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

9. Xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ

Xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là một trong những nội dung hết sức quan trọng nhằm đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ được thực thi một cách có hiệu quả nhất và bảo vệ quyền lợi tối đa cho chủ sở hữu quyền.

10. Các quyền sở hữu trí tuệ khác

Chỉ dẫn địa lý, Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, Tên thương mại, Bí mật kinh doanh, Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh, Giống cây trồng…

11. Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu

a. 02 Tờ khai đăng ký nhãn hiệu, Phụ lục A của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN;
b. Mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
c. Chứng từ nộp phí, lệ phí.

* Đối với đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể,nhãn hiệu chứng nhận, ngoài các tài liệu quy định trên đây, đơn còn bắt buộc phải có thêm các tài liệu sau đây:
   +  Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể/nhãn hiệu chứng nhận;
   +Bản thuyết minh về tính chất,chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu tập thể dùng cho sản phẩm có tính chất đặc thù hoặc là nhãn hiệu chứng nhận chất lượng của sản phẩm hoặc là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý);
   + Bản đồ xác định lãnh thổ (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của sản phẩm).

* Yêu cầu đối với đơn 
a. Mỗi đơn chỉ được yêu cầu cấp một văn bằng bảo hộ;
b. Mọi tài liệu của đơn đều phải được làm bằng tiếng Việt. Đối với các tài liệu được làm bằng ngôn ngữ khác theo quy định tại điểm 7.3 và điểm 7.4 của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN thì phải được dịch ra tiếng Việt;
c. Mọi tài liệu của đơn đều phải được trình bày theo chiều dọc (riêng hình vẽ,sơ đồ và bảng biểu có thể được trình bày theo chiều ngang) trên một mặt giấy khổ A4 (210mm x 297mm), trong đó có chừa lề theo bốn phía, mỗi lề rộng 20mm, trừ các tài liệu bổ trợ mà nguồn gốc tài liệu đó không nhằm để đưa vào đơn;
d. Đối với tài liệu cần lập theo mẫu thì bắt buộc phải sử dụng các mẫu đó và điền đầy đủ các thông tin theo yêu cầu vào những chỗ thích hợp;
e. Mỗi loại tài liệu nếu bao gồm nhiều trang thì mỗi trang phải ghi số thứ tự trang đó bằng chữ số Ả-rập;
f. Tài liệu phải được đánh máy hoặc in bằng loại mực khó phai mờ,một cách rõ ràng,sạch sẽ,không tẩy xoá,không sửa chữa; trường hợp phát hiện có sai sót không đáng kể thuộc về lỗi chính tả trong tài liệu đã nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ thì người nộp đơn có thể sửa chữa các lỗi đó,nhưng tại chỗ bị sửa chữa phải có chữ ký xác nhận (và đóng dấu, nếu có) của người nộp đơn;
g. Thuật ngữ dùng trong đơn phải là thuật ngữ phổ thông (không dùng tiếng địa phương, từ hiếm, từ tự tạo). Ký hiệu, đơn vị đo lường, phông chữ điện tử, quy tắc chính tả dùng trong đơn phải theo tiêu chuẩn Việt Nam;
h. Đơn có thể kèm theo tài liệu bổ trợ là vật mang dữ liệu điện tử của một phần hoặc toàn bộ nội dung tài liệu đơn.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NGUYỄN ĐÌNH THƠ

Add: 119B Ngô Gia Tự - TP. Nha Trang - tỉnh Khánh Hòa

Tel: (058) 3511090      /      Fax: (058) 3510957

Website: www.luatsutho.com.vn hoặc www.luatsunhatrang.com.vn

Email: nguyendinhtho.ls@gmail.com / nguyenlawyer82@gmail.com