vi-VNen-US
Hotline: 0913460889 (Mr. Thơ – Luật sư)

Băng ghi âm có phải là chứng cứ?

26/08/2013 08:09        

Câu hỏi:

Thưa quý luật sư, tôi có ghi âm lén 1 đối tác làm ăn, tôi muốn biết theo pháp luật việt nam khi ra tòa tôi có thể sử dụng cuộc ghi âm lén này như là 1 bằng chứng hay không? Xin cám ơn.

Trả lời:

Điều 81, Bộ luật tố tụng dân sự có quy định về chứng cứ như sau: “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho Toà án hoặc do Toà án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Toà án dùng làm căn cứ để xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp hay không cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự.”

Căn cứ quy định tại Điều 82, Bộ luật tố tụng dân sự (được sửa đổi, bổ sung năm 2011) thì băng ghi âm là tài liệu nghe được được coi là một nguồn chứng cứ. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 83 về xác định chứng cứ thì băng ghi âm được coi là một (01) chứng cứ khi thỏa mãn điều kiện sau đây: Các tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.

Như vậy, đoạn băng ghi âm (lén) giữa bạn và đối tác làm ăn được coi là chứng cứ khi bạn xuất trình được kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của đoạn băng ghi âm hoặc văn bản về sự việc liên quan đến việc ghi âm, ví dụ: Biên bản làm việc (có chữ ký đầy đủ của 02 bên) cùng thời điểm ghi âm hoặc văn bản xác nhận bạn và đối tác có gặp mặt, có lịch làm việc cùng nhau ….đồng đối tác phải thừa nhận giọng nói trong băng ghi âm là của họ hoặc có kết luận của cơ quan giám định xác nhận giọng nói trong đoạn băng ghi âm là của đối tác.

Trường hợp không đáp ứng được các điều kiện đó thì đoạn băng ghi âm của bạn chỉ được xem là tài liệu liên quan đến vụ án, có giá trị tham khảo chứ không thể có giá trị chứng minh trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án.

Trân trọng.