Vấn đề tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó nổi lên hai loại ý kiến chính: Một là, cần tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 tuổi như nam giới để thể hiện quyền bình đẳng nam nữ.
Hai là, về cơ bản giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ như hiện nay, nhưng giảm tuổi nghỉ hưu của LĐ nữ trực tiếp sản xuất, nhất là trong các ngành dệt - may, chế biến thuỷ - hải sản, các nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Tăng tuổi nghỉ hưu liệu có là bình đẳng giới?
Theo TS Đặng Quang Điều -Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (CNCĐ): Các nhà hoạch định chính sách đã nghiên cứu, xem xét vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cho LĐ nữ, đặc biệt trong quá trình soạn thảo Luật BHXH năm 2006. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, dư luận xã hội cũng còn có nhiều ý kiến quan ngại về khả năng làm việc của LĐ nữ sau độ tuổi LĐ và tác động của việc nâng tuổi nghỉ hưu của LĐ nữ tới tình trạng thất nghiệp của nhóm thanh niên trẻ bước vào thị trường LĐ hằng năm.
Để nắm được tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của NLĐ trong cả nước, Viện CNCĐ đã tiến hành khảo sát tại các cơ quan, DN tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, TPHCM, Tây Ninh, Trà Vinh, Cần Thơ. Thành phần tham gia trả lời 2.413 phiếu điều tra của viện gồm CNVCLĐ thuộc khu vực SXKD ở các loại hình DN, khối HCSN các cơ quan, đoàn thể thuộc đủ mọi trình độ. Trả lời câu hỏi trong phiếu điều tra về tuổi nghỉ hưu của LĐ nữ khu vực HCSN bao nhiêu là phù hợp, đại đa số (76,9%) có ý kiến ở độ tuổi 55-60 là phù hợp. Tức là, so với quy định hiện nay cần điều chỉnh tăng lên.
Về tuổi nghỉ hưu của LĐ nữ khu vực SXKD, hầu hết LĐ khu vực HCSN cho rằng nên về hưu ở tuổi 50-55. Để biết quan điểm của LĐ nam về tuổi nghỉ hưu đối với LĐ nữ khu vực HCSN, có 45% nam giới trả lời về hưu ở tuổi 55 và 40,8% nói ở tuổi 60. Gần đây, cũng có nhiều ý kiến đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu của LĐ nữ có trình độ tiến sĩ, PGS, GS. Qua khảo sát, 30% số ý kiến là giữ quy định như hiện nay và 54% là quy định 60 tuổi. Còn với nữ CB quản lý cấp vụ (phụ cấp chức vụ từ 0,8% trở lên), đa số cho rằng không nên nâng tuổi nghỉ hưu của nhóm đối tượng này...
Đáng chú ý, đa số ý kiến trả lời không đồng ý với quan điểm “Nâng tuổi nghỉ hưu của LĐ nữ lên bằng nam giới thì mới đảm bảo bình đẳng giới”.
Đa số lao động nữ muốn giảm tuổi hưu
Viện CNCĐ đưa ra 5 quan điểm về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với LĐ nữ. Trước hết, cần thống nhất và đồng bộ trong pháp luật hiện hành quy định về tuổi nghỉ hưu đối với NLĐ nói chung và LĐ nữ nói riêng. Thực tế hiện nay, các quy định về tuổi nghỉ hưu đối với NLĐ nói chung được quy định ở các luật và các văn bản khác nhau, tạo ra sự không đồng bộ, thiếu thống nhất và tính pháp lý không cao.
Hơn nữa, việc quy định tuổi nghỉ hưu nhất là với LĐ nữ cần căn cứ vào điều kiện, sức khỏe, môi trường làm việc, đặc thù công việc của mỗi nhóm đối tượng. Xác định tuổi nghỉ hưu của LĐ nữ nên theo hướng tạo cơ hội cho LĐ nữ cống hiến nhiều hơn và đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới. Hạn chế của các quy định hiện hành là không có sự phân biệt rõ ràng giữa LĐ nữ làm việc tại khu vực SXKD và LĐ nữ khối HCSN, giữa khu vực HC và đơn vị sự nghiệp; trong khu vực SXKD cũng không có sự phân biệt rõ ràng giữa các ngành nghề khác nhau.
Tại hội thảo của Tổng LĐLĐVN về tuổi nghỉ hưu đối với LĐ nữ, các đại biểu của Ban Dân vận T.Ư, Trường ĐHCĐ VN, LĐLĐ Hải Dương, CĐ Dệt-May VN, CĐ Công Thương VN, CĐ NNPTNT cho rằng cần thống nhất quan điểm, giải pháp về tuổi nghỉ hưu, không nên phân nhóm nhiều để tránh sự xáo trộn mà chia theo hai khối gồm SXKD, HCSN. “Bức tranh” chung về tuổi nghỉ hưu của LĐ nữ diễn ra theo xu hướng: Khối SXKD muốn về nghỉ sớm.
Theo Phó ban Nữ công CĐ NNPTNT Hàn Mai Hương cho biết, LĐ nữ chế biến thuỷ sản chiếm hơn 80%, do làm việc vất vả (phải đứng 12h/ngày, môi trường ẩm ướt, lạnh, bị viêm khớp, phù nề chân tay...) nên chị em muốn nghỉ ở tuổi 45. Nhưng nghỉ ở tuổi này, NLĐ làm gì để đảm bảo cuộc sống. Tổ chức CĐ cần suy nghĩ về điều này. Khối HCSN thì muốn kéo dài thời gian làm việc nhưng tăng ở mức có thể chấp nhận được (như Viện CNCĐ đề nghị 58 tuổi).
Còn tuổi nghỉ hưu với LĐ nữ có trình độ chuyên môn cao (đề nghị 60 tuổi), nhiều ý kiến cho rằng đó không phải là vấn đề xã hội, cần cân nhắc kỹ. Đề cập các quyền lợi của LĐ nữ bị thiệt thòi so với nam giới (thời gian quy hoạch, bổ nhiệm, nâng lương...), Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh Hải Dương Lại Thị Hồng kiến nghị việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của LĐ nữ cần gắn với chế độ chính sách phù hợp hơn. Chẳng hạn nếu nghỉ hưu “du di” từ 50-60 thì không nên trừ phần trăm chế độ BHXH.
Nguồn: Thu Hương, laodong.com.vn