vi-VNen-US
Hotline: 0913460889 (Mr. Thơ – Luật sư)

Rắc rối với têm đệm của người cha

15/08/2013 11:19        

Câu hỏi:

Năm 1970 dì tôi lấy chồng là ông Phạm Thành Công và có đăng ký kết hôn, dì tôi sinh được 4 người con. Các con của dì  đều có giấy khai sinh, tên cha là Phạm Thành Công, tên mẹ là Trần thị Mỹ. Đến năm 1990 dì  tôi sống ly thân, không ly hôn, khỏang năm 1994 ông Công lấy vợ khác, sinh được 2 đứa con, và cũng được UBND xã cấp giấy chứng nhận kết hôn. Nay dì và các con của dì tôi phát hiện trong giấy kết hôn sau của ông Công lấy thêm tên đệm là chữ Văn, kể cả giấy chứng minh nhân dân, giấy tờ đất, nhà... Ngày 02/01/2012, ông Công mất tại nhà do bị bệnh. Người vợ sau của ông Công đi làm giấy khai tử ghi ngày chết là 09/12/2011 âm lịch, không ghi ngày dương lịch là 02/01/2012. Tôi xin được hỏi một số vấn đề sau đây:

1. Trong giấy khai sinh các con của dì tôi đều ghi tên cha là Phạm Thành Công. Còn các giấy tờ tùy thân, hộ khẩu...của ông Công khai thêm chữ Văn, tức là Phạm Văn Thành Công. Như vậy, có ảnh hưởng gì đến quyền lợi của các em tôi không?.

2. Trong giấy chứng tử của ông Công ghi ngày chết là ngày âm lịch, làm thế nào để ghi lại ngày dương lịch vào giấy chứng tử cho đúng quy định của pháp luật.

3.Giấy chứng nhận kết hôn của dì tôi và ông Công đã bị mất, Sở Tư pháp đã xác nhận là bị mất. Như vậy, dì tôi và ông Công có được công nhận là vợ chồng?

4.Hôn nhân của ông Công với người vợ sau có được xem là hôn nhân trái pháp luật không? dì tôi có quyền làm đơn yêu cầu hủy hôn nhân của ông Công và người vợ sau không, nếu có thì thủ tục như thế nào?

5.Các con của dì tôi đã xin cấp bản sao giấy khai sinh của ông Công tại Sở Tư pháp nhưng nơi đây cũng đã xác nhận là mất sổ bộ. Các em tôi phải chuẩn bị những thủ tục gì và gửi đến cơ quan nào để giải quyết. 

Trả lời:

Với tình huống bạn trình bày, chúng tôi xin tư vấn như sau:

1. Đối với câu hỏi 1 và 5:

Theo quy định của pháp luật, việc thay đổi họ, tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ, tên cũ.

Giấy khai sinh được coi là Giấy tờ hộ tịch gốc. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy Khai sinh của người đó. Khi ông Công được cơ quan có thẩm quyền cho phép thay đổi tên thì nội dung thay đổi đó được ghi chú vào mặt sau của bản chính Giấy khai sinh của ông Công. Căn cứ vào Giấy khai sinh đã được ghi chú này và Quyết định cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch của cơ quan có thẩm quyền thì các em con của dì bạn vẫn được hưởng tất cả các quyền và lợi ích hợp pháp từ ông Công cho dù ông Công đã thay đổi tên gọi.

Mặc dù Sở Tư pháp đã xác nhận Sổ đăng ký khai sinh cho ông Công bị mất, tuy nhiên Giấy khai sinh của ông vẫn còn và còn sử dụng được, do đó không thể tiến hành thủ tục đăng ký lại việc sinh hay xin cấp lại bản chính Giấy khai sinh cho ông Công. Tuy nhiên, bạn yên tâm rằng các em của bạn vẫn được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp từ ông Công như tôi đã trình bày ở trên.

2. Theo Điều 22 Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch Giấy báo tử phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người chết; giờ, ngày, tháng, năm chết; địa điểm chết và nguyên nhân chết. Người đi khai tử phải nộp Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay cho Giấy báo tử  Sau khi kiểm tra các giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký khai tử và Giấy chứng tử, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho người đi khai tử một bản chính Giấy chứng tử. Bản sao Giấy chứng tử được cấp theo yêu cầu của người đi khai tử.

Như vậy pháp luật không quy định rõ là trong Giấy chứng tử phải ghi ngày chết của người chết là ngày âm hay ngày dương, tuy nhiên theo thông lệ tất cả các loại giấy tờ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp thì đều ghi ngày dương, do vậy đối với trường hợp này thì dì bạn có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy Giấy chứng tử trên sau đó đăng ký lại việc tử cho ông Công.

3. Giấy chứng nhận kết hôn của dì bạn và ông Công đã bị mất, Sở Tư pháp đã xác nhận là bị mất, do vậy căn cứ vào quy định tại Điều 60, Điều 61 Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch thì dì bạn có thể đến Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện, nơi lưu trữ sổ đăng ký kết hôn thực hiện cấp bản sao các giấy chứng nhận kết hôn cho dì bạn. Trên cơ sở đó thì quan hệ vợ chồng của dì bạn và ông Công vẫn được pháp luật bảo hộ cho dù ông Công đã thay đổi tên gọi.

4. Do dì bạn và ông Công mặc dù sống ly thân nhưng vẫn chưa tiến hành thủ tục ly hôn nên giữa hai người vẫn đang tồn tại mối quan hệ hôn nhân hợp pháp (pháp luật không có quy định đối với việc vợ chồng sống ly thân) và được pháp luật công nhận và bảo hộ mối quan hệ này, do đó việc ông Công kết hôn với người vợ sau là vi phạm pháp luật và căn cứ theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình và Điều 28, Điều 33 Bộ luật Tố tụng dân sự thì dì bạn (hoặc các em bạn) có quyền nộp đơn đến Toà án nhân dân cấp huyện để yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật trên. Theo đó thì Toà án xem xét và quyết định việc hủy kết hôn trái pháp luật và gửi bản sao quyết định cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn. Căn cứ vào quyết định của Toà án, cơ quan đăng ký kết hôn xoá đăng ký kết hôn trong Sổ đăng ký kết hôn.

Trân trọng.