Câu hỏi:
Tôi có phần đất nông nghiệp do cha mẹ quá cố để lại, trên sổ đỏ ghi diện tích 528m2 cấp từ trước năm 2000. Phần đất kế bên của người anh thứ ba có diện tích 548m2, lấy bờ ruộng ở giữa làm ranh dưới sự chứng kiến của tất cả anh em họ hàng.
Trên thực tế đất tôi có diện tích 45x15m (dư khoảng 2x45m), đất anh thứ ba tôi 45x17,5m (dư khoảng 5x45m).
Thời gian gần đây quê tôi phát triển sầm uất, người anh thứ ba phá bờ ranh, xây nhà sát trên bờ ranh đó và có thái độ giành khoảng đất dư của tôi để trồng cây kiểng. Anh nói: "Tôi là anh cả, tôi chỉ cho cô bấy nhiêu đó theo đúng giấy tờ trên sổ đỏ", trong khi người chia đất cho tất cả anh em chúng tôi là người anh thứ xác nhận phần đất chia cho tôi là ngay bờ ranh đã được phá để xây cất nhà.
Anh nói bờ ranh đất có trước khi tôi làm sổ đỏ (trước năm 2000) nhưng không có giấy tờ, chỉ thống nhất với anh em trong nhà như thế.
Xin hỏi tôi phải làm thế nào để lấy lại phần đất dư 2x45m? Hiện nay đất tôi đang hết hạn và chuẩn bị gia hạn quyền sử dụng đất, tôi có được bổ sung phần đất dư đó vào sổ đỏ hay không, thủ tục như thế nào?
Trả lời:
1. Trường hợp không có tranh chấp về quyền sử dụng đất:
Theo quy định, trường hợp số liệu đo đạc thực tế theo đúng quy phạm kỹ thuật về đo đạc địa chính mà diện tích thửa đất lớn hơn diện tích đã ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất, việc giải quyết theo từng trường hợp cụ thể như sau:
i. Trường hợp ranh giới thửa đất hiện nay không thay đổi so với thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề mà diện tích đo đạc thực tế khi cấp giấy chứng nhận nhiều hơn diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất thì giấy chứng nhận được cấp theo diện tích đo đạc thực tế.
ii. Trường hợp ranh giới thửa đất hiện nay có thay đổi so với thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà diện tích đất đo đạc thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận diện tích nhiều hơn là do khai hoang hoặc nhận chuyển quyền của người sử dụng đất trước đó, đất đã được sử dụng ổn định và không có tranh chấp thì giấy chứng nhận được cấp cho toàn bộ diện tích đo đạc thực tế của thửa đất.
Trên đây là quy định của pháp luật có liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận trong một số trường hợp có sự chênh lệch giữa số liệu diện tích đo đạc thực tế với số liệu diện tích đã ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất.
Đối với trường hợp của bạn, do dữ liệu bạn cung cấp không đầy đủ, chúng tôi không thể có câu trả lời cụ thể. Bạn cần liên hệ trực tiếp với UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện để được hướng dẫn cụ thể.
2. Trường hợp có tranh chấp về quyền sử dụng đất:
Trong trường hợp có sự tranh chấp đối với phần diện tích chênh lệch như bạn nêu, nếu diện tích đất này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc giải quyết tranh chấp thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi có đất.
Việc hòa giải giải quyết tranh chấp đất tại địa phương là một thủ tục bắt buộc trước khi thực hiện việc khởi kiện tại tòa.
Trường hợp không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 điều 50 Luật đất đai thì việc tranh chấp sẽ do chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết.
Trường hợp chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết hoặc khởi kiện theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trong trường hợp có tranh chấp, chúng tôi thiết nghĩ anh chị em bạn nên có phương án thương lượng, hòa giải giải quyết vụ việc để giữ tình thân trong gia đình.
Trân trọng.