vi-VNen-US
Hotline: 0913460889 (Mr. Thơ – Luật sư)

Giải quyết thế nào là phù hợp pháp luật?

20/07/2013 09:26        

Nội dung bài viết có đề nghị xác định thêm các căn cứ xác lập quyền sở hữu tài sản theo Quyết định của bản án đã có hiệu lực pháp luật mà người có quyền yêu cầu thi hành án trong thời hạn quy định của pháp luật Thi hành án dân sự không yêu cầu thi hành thì khi hết thời hiệu yêu cầu thì tài sản đó thuộc quyền sở hữu của người đang sử dụng. Thể hiện qua nội dung vụ án cụ thể như sau: Ông Nguyễn Văn B kết hôn với bà Hoàng Thị A năm 1979 và đã có với nhau 3 người con chung. Quá trình chung sống, hai người thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Ngày 25/2/1996, ông B và bà A được Tòa án giải quyết cho ly hôn. Theo quyết định của Tòa án bà A được sở hữu toàn bộ ngôi nhà 3 gian gắn liền với quyền sử dụng thửa đất rộng 700m2 (thửa đất này đã được UBND thị xã cấp giấy phép sử dụng đất công mang tên ông B từ năm 1980). Sau ly hôn, bà A chuyển đi nơi khác ở và không làm đơn yêu cầu thi hành án theo như quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự. Ông B vẫn sử dụng ngôi nhà và thửa đất mà Tòa án đã giao cho bà A sở hữu. Đến năm 2006, ông B làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai. Khi làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông B không thông báo với cơ quan có thẩm quyền biết việc thửa đất mà ông đang làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được Tòa án giao cho bà A từ năm 1996. Vì vậy, sau khi làm đầy đủ thủ tục như quy định của pháp luật đất đai, UBND thị xã đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông B. Năm 2007, ông B chuyển nhượng toàn bộ 700m2 đất cho ông H được 500 triệu đồng. Năm 2008, ông B chết. Năm 2009, bà A làm đơn khởi kiện cho rằng thửa đất mà ông B chuyển nhượng cho ông H là của bà. UBND thị xã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông B là sai và yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông B và ông H là vô hiệu, buộc ông H trả lại đất cho bà.

Theo tác giả, trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án nêu trên tồn tại 2 quan điểm trái ngược nhau về kết quả giải quyết vụ án.

Quan điểm thứ nhất khẳng định:Căn cứ khoản 2 Điều 176 BLDS năm 1995, khoản 2 Điều 170 BLDS năm 2005 căn cứ xác lập quyền sở hữu và khoản 5 Điều 50 Luật đất đai thì thửa đất mà ông B chuyển nhượng cho ông H là của bà A (vì thửa đất này đã được Tòa án giao cho bà A sử dụng từ năm 1996). Việc UBND thị xã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông B là sai. Ông B không có quyền chuyển nhượng cho ông H, nên tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng đất vô hiệu, buộc ông H trả đất cho bà A.

Quan điểm thứ hai được tác giả đồng tình là căn cứ vào khoản 1 Điều 21 Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1993 quy định: “Trong thời hạn 3 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án là cá nhân có quyền gửi đơn đến cơ quan thi hành án để yêu cầu thi hành án. Hết thời hạn đó, nếu người được thi hành án không yêu cầu thi hành án thì bản án, quyết định hết hiệu lực...” và Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 tại Điều 25 quy định là 3 năm, Luật thi hành án dân sự năm 2008 tại Điều 30 quy định là 5 năm. Tác giả khẳng định, do bà A không yêu cầu thi hành án trong thời hạn nêu trên nên quyết định của bản án không còn hiệu lực thi hành. Do đó thửa đất này không phải là của bà A, bà A không có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông B và ông H là vô hiệu. Đề nghị bổ sung căn cứ xác lập tài sản theo quy định tại Điều 170 BLDS “những tài sản là đối tượng phải thi hành án nhưng đã hết thời hiệu thi hành án”.

Qua nghiên cứu nội dung vụ việc và các quan điểm trong bài viết, chúng tôi không đồng tình với quan điểm cho rằng khi hết thời hiệu yêu cầu thi hành án mà người được thi hành án không có yêu cầu thi hành án thì tài sản trong bản án thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án, với các lý do như sau:

Thứ nhất: Theo Điều 176 Bộ luật dân sự năm 1995 thì căn cứ xác lập quyền sở hữu bao gồm:

-Do lao động, do hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp;

-Được chuyển giao quyền sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

-Thu hoa lợi, lợi tức;

-Tạo thành vật mới do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến;

-Được thừa kế tài sản;

-Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với vật vô chủ, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên;

-Chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai phù hợp với thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều 255 của Bộ luật này;

-Các trường hợp khác do pháp luật quy định.

Từ những căn cứ trên không có căn cứ nào xác định quyền sở hữu tài sản có được từ việc hết thời hiệu yêu cầu thi hành bản án.

Thứ hai: Tại khoản 1 Điều 21 Pháp lệnh thi hành án dân sự quy định: “Trong thời hạn 3 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án là cá nhân có quyền gửi đơn đến cơ quan thi hành án để yêu cầu thi hành án. Hết thời hạn đó, nếu người được thi hành án không yêu cầu thi hành án thì bản án, quyết định hết hiệu lực...”. Quy định này nhằm khẳng định người được thi hành án “có quyền gửi đơn” yêu cầu thi hành án đến cơ quan thi hành án dân sự để yêu cầu thi hành án. Đã là Quyền thì họ có thể yêu cầu hoặc không yêu cầu, nó không làm triệt tiêu tính hiệu lực tối cao của bản án đã có hiệu lực pháp luật. Và họ không yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự là họ tự làm mất quyền lợi của họ “quyền yêu cầu” thi hành bản án trong thời hạn luật định. Thông tư liên ngành số 981 ngày 21 tháng 9 năm 1993 giữa Bộ tư pháp, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1993 cũng không có hướng dẫn nào xác định khi người được thi hành án không có yêu cầu trong thời hạn luật định thì bản án, quyết định của Tòa án hết hiệu lực. Hơn nữa theo Điều 25 Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004, Điều 30 Luật thi hành án dân sự năm 2008 quy định: “Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án…”. Như vậy, trong Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 và Luật thi hành án dân sự năm 2004 không chỉ bó hẹp là người được thi hành án có quyền yêu cầu thi hành án nữa mà cả người phải thi hành án cũng có quyền yêu cầu thi hành án. Trong luật cũng không còn quy định nếu hết thời hạn yêu cầu mà người được thi hành án, người phải thi hành án không có yêu cầu thi hành án thì bản án, quyết định đó hết hiệu lực. Điều này đã tiếp tục tính kế thừa, tính hợp lý và đảm bảo tính tối cao của bản án đã có hiệu lực pháp luật. Phù hợp với xu thế và thông lệ chung của pháp luật tiến bộ trên thế giới.

Thứ ba: Việc ông B đã được Tòa án cho ly hôn và quyết định phân chia tài sản bằng bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Đến khi ông B làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ông đã cố tình không thông báo về việc Tòa án đã giao thửa đất cho bà A; cơ quan có thẩm quyền khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng không xác minh mà đã làm thủ tục là vi phạm quy định của pháp luật. Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi năm 2010 có quy định: “Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan tổ chức đó xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết”. Do đó, trong bài viết tác giả cùng đề cập đến di sản đã hết thời hiệu chia thừa kế cũng là căn cứ để xác lập quyền sở hữu. Đối với di sản đã hết thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế hiện nay HĐTP Tòa án nhân dân Tối cao vẫn chưa có hướng dẫn áp dụng. Trong thực tiễn khi giải quyết án dân sự về chia di sản thừa kế mà có phần di sản đã hết thời hiệu mà các đương sự không thống nhất để phân chia thì hiện tại Tòa án vẫn tạm giao cho người đang trực tiếp quản lý trông coi và sử dụng chờ hướng dẫn sau. Theo chúng tôi để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự cũng như tránh việc lãng phí tài sản, quyền tài sản…của các đương sự trong vụ án, phù hợp với việc tính toán và phân chia di sản thừa kế đã hết thời hiệu khởi kiện. Đề nghị HĐTP Tòa án tối cao có hướng dẫn áp dụng thống nhất đối với di sản đã hết thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế thì coi đó là tài sản chung của các đồng thừa kế và chia theo quy định của pháp luật.

Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được sự trao đổi để hoàn thiện.

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân