vi-VNen-US
Hotline: 0913460889 (Mr. Thơ – Luật sư)

Thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

19/07/2013 10:07        
Câu hỏi:

Bạn tôi là người Nhật Bản. Anh ấy muốn thành lập công ty tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực lập trình máy vi tính do một mình anh ấy bỏ vốn và để tôi là người điều hành công ty. Tôi có thể thành lập công ty như vậy không và tôi phải làm gì? Xin cảm ơn luật sư.

Trả lời:

Liên quan đến vấn đề bạn hỏi, chúng tư vấn cho bạn như sau:

Thứ nhất: Về ngành nghề “lập trình máy vi tính”:

Theo WTO và luật chuyên ngành của Việt Nam thì ngành nghề này không phải là ngành nghề bị cấm hoặc hạn chế. Do đó, bạn của bạn hoàn toàn có thể thành lập công ty với ngành nghề này.

Thứ hai: Về hình thức công ty và người đại diện theo pháp luật:

Bạn của bạn muốn một mình bỏ vốn để thành lập công ty tại Việt Nam thì bạn của bạn có thể thành lập công ty TNHH một thành viên. Trường hợp bạn là người quản lý, điều hành công ty thì bạn có thể chọn một trong hai cách:

Cách 1, Bạn của bạn vừa là chủ sở hữu công ty vừa là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trong trường hợp này, bạn của bạn có thể ủy quyền cho bạn để thay mặt và đại diện cho anh ấy thực hiện việc quản lý, điều hành công ty.

Cách 2, Bạn được anh ấy thuê làm người đại diện theo pháp luật. Theo cách này, bạn sẽ có quyền quản lý, điều hành công ty.

Thứ ba: Về trình tự, thủ tục thành lập công ty:

Các bạn phải tìm địa điểm để đặt công ty và đặt tên cho công ty dự định thành lập sao cho phù hợp với quy định tại điều 13, điều 14, điều 15 và điều 16 của Nghị định 43/2010/NĐ-CP ngày 15/04/2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.

Sau khi đã có tên công ty, các bạn chuẩn bị một bộ hồ sơ nộp lên Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố nơi bạn dự định đặt trụ sở công ty. Do bạn không nói rõ mức vốn dự định đầu tư, thành lập công ty là bao nhiêu nên chúng tôi không thể tư vấn cụ thể. Để bạn tham khảo, chúng tôi tạm chia ra hai trường hợp để bạn và bạn của bạn thực hiện:

Trường hợp thứ nhất: Vốn bỏ ra (hay còn gọi là vốn đầu tư) dưới 300 tỷ đồng:

Căn cứ vào điều 44, Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 của Chính phủ về hướng dẫn Luật đầu tư và căn cứ vào điều 46, Luật đầu tư 2005, thì bạn của bạn chỉ cần làm thủ tục đăng ký đầu tư. Vì đây là dự án đầu tư gắn với việc thành lập doanh nghiệp nên trong trường hợp của bạn, hồ sơ cần chuẩn bị sẽ bao gồm hai bộ hồ sơ: (i) Hồ sơ đăng ký đầu tư; và (ii) Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

 

(i) Hồ sơ đăng ký đầu tư, gồm có:

- Bản đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư;

- Báo cáo năng lực tài chính của nhà đầu tư;

- Giải trình kinh tế kỹ thuật hoặc Bản giải trình khả năng đáp ứng điều kiện đầu tư;

- Giấy tờ chứng minh địa điểm đầu tư;

(ii) Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, gồm có:

Điều lệ doanh nghiệp;

- Hồ sơ pháp lý của nhà đầu tư (CMND hoặc hộ chiếu của bạn bạn);

Trường hợp thứ hai: Vốn đầu tư từ 300 tỷ đồng trở lên:

Căn cứ vào điều 45, Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 của Chính phủ về hướng dẫn Luật đầu tư và căn cứ vào điều 47, Luật đầu tư 2005, thì đây là một dự án đầu tư thuộc diện phải thẩm tra. Bạn của bạn chuẩn bị hồ sơ như nêu tại trường hợp thứ nhất nêu trên. Đối với trường hợp này, thời gian để bạn được cấp Giấy chứng nhận đầu tư sẽ dài hơn so với trường hợp thứ nhất bởi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố nơi bạn dự định đặt trụ sở công ty sẽ phải gửi văn bản để xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi để các bạn tham khảo. Nếu có gì cần chúng tôi hỗ trợ, xin vui lòng liên hệ lại với chúng tôi.

Trân trọng.