vi-VNen-US
Hotline: 0913460889 (Mr. Thơ – Luật sư)

Thủ tục đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú

22/07/2013 16:02        

Câu hỏi: 

Em gái tôi, sinh năm 1988, học đại học và làm việc tại Hà Nội. Trong thời gian này, em gái tôi có quen biết và có quan hệ yêu đương với một anh bạn sinh năm 1978, anh này đã ly hôn vợ nhưng hai vợ chồng vẫn sống cùng nhà (mỗi người sống một tầng, đi cầu thang riêng), hai người có một con gái chung. Em gái tôi hiện đang có thai tháng thứ 6. Gia đình tôi đã nhiều lần yêu cầu anh kia (cha đứa bé) phải làm đám cưới và đăng ký kết hôn với em gái tôi để bé sinh ra được hợp pháp, có bố mẹ đầy đủ, tuy nhiên chị vợ cũ sống cùng nhà liên tục đưa con gái ra đe dọa bố đứa bé và em gái tôi. Anh bạn này đã cam kết với gia đình tôi là sẽ có trách nhiệm với em gái tôi và đứa bé khi sinh ra, anh ta sẽ làm thủ tục nhận con, đăng ký khai sinh và nhập hộ khẩu cho em bé. Khi nào dàn xếp được sự việc với vợ cũ thì anh ta sẽ làm đám cưới và đăng ký kết hôn với em gái tôi. Như vậy, có nghĩa là cháu bé con của em gái tôi là con ngoài giá thú và gia đình tôi rất lo lắng về tương lai của cháu.

Thưa luật sư, thủ tục đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú theo quy định của pháp luật hiện hành như thế nào?

 Trả lời:

Theo quy định của Nghị định số 58/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch thì để đảm bảo quyền được khai sinh cho trẻ em khi sinh ra, con trong giá thú và con ngoài giá thú đều bình đẳng về việc được đăng ký khai sinh mà không có bất kỳ sự phân biệt nào cả, cụ thể thủ tục đăng ký khai sinh được quy định chung như sau:

- Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em được thực hiện tại UBND cấp xã nơi cư trú của người mẹ. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của người mẹ thì đăng ký khai sinh tại UBND cấp xã nơi cư trú của người cha. Tuy nhiên, đối với trường hợp đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú thì nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha ghi trong sổ đăng ký khai sinh và giấy đăng ký khai sinh để trống. Nếu tại thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã kết hợp việc nhận con và đăng ký khai sinh.

- Hồ sơ đăng ký khai sinh bao gồm: Giấy chứng sinh do cơ sở y tế nơi đứa trẻ sinh ra cấp, nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế thì Giấy chứng sinh được thay thế bằng Giấy xác nhận của người làm chứng, nếu không có người làm chứng thì người làm giấy khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực. Trường hợp cha mẹ có đăng ký kết hôn thì xuất trình Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.

Thủ tục nhận cha cho con được tiến hành theo 02 trường hợp như sau:

Trường hợp thứ nhất: Việc nhận cha cho con do các bên tự nguyện và không có tranh chấp thì được thực hiện tại UBND cấp xã theo quy định tại Điều 34, Nghị định số 58 như sau:

- Người nhận cha cho con nộp Tờ khai (theo mẫu quy định), trường hợp nhận cha cho con chưa thành niên thì phải có sự đồng ý của người đang là mẹ của đứa trẻ, trừ trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, đồng thời phải xuất trình các giấy tờ sau đây: Giấy khai sinh của người con; Giấy tờ, đồ vật hoặc chứng cứ khác chứng minh quan hệ cha –con (nếu có).

- Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy việc nhận cha cho con là đúng sự thật và không có tranh chấp thì UBND cấp xã đăng ký việc nhận cha cho con. Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 05 ngày.

- Khi đăng ký việc nhận cha cho con thì các bên cha, mẹ, con phải có mặt và UBND xã sẽ cấp Quyết định công nhận việc nhận cha cho con.

Căn cứ vào Quyết định công nhận này, các bên có thể đề nghị UBND xã đăng ký bổ sung phần ghi thông tin người cha trên Giấy khai sinh cho trẻ em.

Trường hợp thứ hai: Các bên không tự nguyện trong việc nhận cha cho con, tức là có tranh chấp về việc nhận cha cho con, có thể là người cha không thừa nhận đứa con hoặc người mẹ không đồng ý về việc nhận cha cho con của mình đối với trường hợp con chưa thành niên hoặc người con không đồng ý nhận cha khi đã thành niên hoặc có người thứ ba cùng yêu cầu nhận cha cho con. Trường hợp này, người có yêu cầu nhận cha cho con phải làm đơn khởi kiện ra Tòa án cấp huyện. Đây là một loại án hôn nhân gia đình, cụ thể là tranh chấp về xác định cha cho con do Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Pháp luật hôn nhân gia đình và Tố tụng dân sự.

Trường hợp này, người yêu cầu phải cung cấp các chứng cứ chứng minh quan hệ cha – con, ví dụ như: thư từ trao đổi giữa cha mẹ có tình cảm yêu đương, thời điểm quan hệ giữa hai người, thông báo việc có thai, trao đổi về trách nhiệm nuôi con…..hoặc kết quả giám định ADN.