vi-VNen-US
Hotline: 0913460889 (Mr. Thơ – Luật sư)

Bỏ sót người thừa kế khi chia di sản thừa kế

22/07/2013 15:37        

Câu hỏi:

Cha tôi chết đi có để lại di sản là 2 sổ tiết kiệm trị giá 10 tỷ đồng, không có di chúc. Tôi là con riêng của ba tôi và mẹ tôi. Nhưng cha tôi vẫn còn vợ lớn và 2 người con khác. Sau khi cha tôi mất, tôi nộp đơn khởi kiện bà lớn vì bà không chấp nhận chia di sản cho tôi. Trước đó,  ngày 22/12/2009 bà lớn đã rút toàn bộ số tiền trên mà không có thỏa thuận nào với tôi. Tôi được biết, bà đã làm văn bản thừa kế do tổ chức công chứng trên địa bàn X chứng nhận để được rút tiền. Tôi xin hỏi: tại sao Phòng công chứng X lại chứng nhận văn bản thừa kế đó khi 2 sổ tiết kiệm do ngân hàng ở thành phố Y phát hành (vì theo tôi được biết tài sản ở đâu thì phải công chứng ở tổ chức công chứng thuộc tỉnh, thành phố đó). Điểm làm sai luật thứ hai của công chứng X là cha tôi mất có giấy chứng tử ngày 28/11/2009, theo luật niêm yết 30 ngày thì làm sao ngày 22/12/2009 có giấy chứng nhận để rút. Tôi sẽ được quyền lợi gì trong vụ kiện không?

Trả lời:

1. Xét vi phạm về thẩm quyền công chứng của Phòng/Văn phòng Công chứng trên địa bàn tỉnh X

Công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Công chứng viên có thẩm quyền công chứng tất cả các hợp đồng, giao dịch theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 37 Luật Công chứng về thẩm quyền công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản, như sau:

- Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền công chứng các hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp quy định dưới đây.

- Công chứng viên của các tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản.

Như vậy, đối với hợp đồng, giao dịch về bất động sản thì công chứng viên chỉ được công chứng trong phạm vi tỉnh, thành phố nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở. Còn đối với các hợp đồng, giao dịch liên quan đến động sản; di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản; hợp đồng, giao dịch khác không có đối tượng là bất động sản (như hợp đồng ủy quyền…) thì công chứng viên có thể chứng nhận bất kỳ hợp đồng, giao dịch nào theo quy định của pháp luật và theo yêu cầu của người yêu cầu công chứng, không phân biệt tài sản đó ở đâu.

Đối với trường hợp của bạn, tài sản là động sản (sổ tiết kiệm), không phải là bất động sản nên công chứng viên không bị hạn chế theo quy định tại Điều 37 Luật Công chứng; và công chứng viên thuộc Phòng/ Văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh X vẫn có quyền công chứng giao dịch liên quan đến sổ tiết kiệm đó cho dù Sổ tiết kiệm do Ngân hàng ở thành phố Y phát hành.

2. Xét vi phạm về thời gian niêm yết khai nhận di sản thừa kế

Trước hết, về thủ tục niêm yết khi tiến hành khai nhận di sản thừa kế: Việc niêm yết thông báo khai nhận di sản thừa kế được các tổ chức hành nghề công chứng tiến hành theo quy định tại Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực và Thông tư số 03/2001/TP-CC ngày 14/3/2001 của Bộ tư pháp hướng dẫn thi hành Nghị định số 75/2000/NĐ-CP.

Theo đó, việc niêm yết do cơ quan công chứng, chứng thực thực hiện tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, nơi thường trú trước đây của người để lại di sản; trong trường hợp không có nơi thường trú, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi tạm trú có thời hạn của người đó.

Nội dung niêm yết nêu rõ: họ, tên người để lại di sản; họ, tên của những người thoả thuận hoặc người khai nhận và quan hệ với người để lại di sản; danh mục di sản được thoả thuận phân chia hoặc được khai nhận; cuối bản niêm yết phải ghi rõ nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót người được hưởng di sản, bỏ sót di sản, di sản không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản, thì khiếu nại, tố cáo dó được gửi cho cơ quan thực hiện công chứng, chứng thực.

Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi niêm yết có trách nhiệm bảo quản việc niêm yết, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày niêm yết.

Xét trường hợp của bạn: bạn không nên căn cứ vào khoảng thời gian từ ngày 22/12/2009 đến ngày 28/12/2009 để cho rằng Phòng/Văn phòng công chứng ở tỉnh X đã làm sai quy định của pháp luật. Vì: Giấy chứng tử của cha bạn được cấp ngày 22/12/2009 nhưng ngày mất có thể là trước ngày 22/12/2009 (do câu hỏi bạn không nói rõ ngày mất là ngày nào) thì khi làm thủ tục niêm yết, Phòng/ Văn phòng công chứng X không nhất thiết phải căn cứ vào Giấy chứng tử, mà có thể căn cứ vào các giấy tờ khác như: Giấy báo tử, Đơn xác nhận việc cha bạn chết… Hơn nữa, khi công chứng văn bản thừa kế, công chứng viên không chỉ căn cứ vào việc niêm yết ở xã phường mà còn căn cứ vào những giấy tờ, hồ sơ khác, như: cam đoan của những người thừa kế về việc không bỏ sót người thừa kế… Để xác định tổ chức công chứng đó có vi phạm hay không thì bạn cần xem xét kỹ hơn vấn đề để đưa ra kết luận chính xác.

3. Quyền lợi của bạn

Theo Điều 676 Bộ luật Dân sự về người thừa kế theo pháp luật: Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Từ quy định trên thì bạn đương nhiên có quyền đối với di sản do bố bạn để lại, cho dù là con trong giá thú hay con ngoài giá thú. Và bạn cùng với những người thừa kế khác của bố bạn: bố mẹ của bố bạn (nếu còn sống); bà vợ; hai người con sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau. Hiện nay, do di sản của bố bạn đã được người vợ và các con của ông phân chia nên việc của bạn sẽ được giải quyết theo Điều 687 Bộ luật Dân sự về phân chia di sản trong trường hợp có người thừa kế mới hoặc có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế, cụ thể như sau: Trong trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, bạn có quyền yêu cầu những người thừa kế khác thanh toán cho bạn khoản tiền tương ứng với phần di sản mà họ đã được hưởng theo quy định trên.