vi-VNen-US
Hotline: 0913460889 (Mr. Thơ – Luật sư)

Vấn đề hôn nhân của những người tâm thần – Cách tiếp cận theo Quyền

19/07/2013 08:21        

Ths. Nguyễn Trung Hải

Nói đến những người mắc bệnh tâm thần chúng ta thường chỉ nghĩ đến những hình ảnh khiếm khuyết, những hành vi không bình thường của họ mà chưa hiểu nhiều đến đời sống nội tâm của họ.

Trong thực tế những người mắc bệnh tâm thần thường ý thức được bệnh của họ và họ cũng luôn khát khao được trở lại như những người bình thường, được hòa nhập với cuộc sống của những người xung quanh họ và ước mơ đầu tiên của họ để đạt được mục đích đó chính là việc hôn nhân. Mơ ước tưởng như rất bình dị và đơn giản với tất cả mọi người nhưng dường như lại là một điều gì đó khá xa vời với những người mắc bệnh tâm thần mặc dù đó là một quyền cơ bản của con người.  

Nhắc đến khía cạnh hôn nhân đối với những người mắc bệnh tâm thần, hẳn là rất nhiều người sẽ hoài nghi và đặt câu hỏi rằng bản thân họ còn chưa lo được cho họ thì vấn đề hôn nhân phải chăng là quá ảo tưởng. Tuy nhiên trong một cuộc nghiên cứu về “Những cặp vợ chồng mắc bệnh tâm thần - ước mơ được trở thành người bình thường” đãchỉ ra rằng phần lớn những người mắc bệnh tâm thần đều có ước vọng được lập gia đình và họ cho rằng việc lập gia đình là một trong những bước quan trọng trong tiến trình phục hồi bệnh tật của họ. Một điều hiển nhiên mà ai cũng phải thừa nhận rằng người mắc bệnh tâm thần thì vẫn là con người, vẫn có những nhu cầu cơ bản như ăn, ở, đi lại, việc làm, học nghề, vui chơi và cả việc kết hôn… Tuy nhiên, trong thực tế với nhóm đối tượng đặc thù này, các nhà chuyên môn chỉ ra rằng sẽ có nhiều tác động ảnh hưởng tiêu cực đến bệnh tật và đời sống của họ do hệ lụy của hôn nhân mang lại.

Nhìn lại trong quá khứ, các cuộc nghiên cứu ở Mỹ qua các thập kỷ trước chỉ ra rằng những cặp vợ chồng mắc bệnh tâm thần có nguy cơ cao trong việc chia tay và có sự hòa nhập xã hội thấp hơn rất nhiều so với những cặp vợ chồng bình thường. Tuy nhiên trong những năm gần đây, các cuộc nghiên cứu mới đưa ra những tác động tích cực của việc hôn nhân này. Nghiên cứu của Young & Ensing, 2009 chỉ ra rằng những người mắc bệnh tâm thần sau khi trải qua quá trình điều trị sẽ nhanh chóng phục hồi chức năng nếu có sự hỗ trợ của người vợ (chồng) cũng có hoàn cảnh tương tự. Như vậy, mối quan hệ của các cặp vợ chồng sẽ có tác động rất lớn tới sức khỏe tâm thần của người bệnh. Bản thân những người mắc bệnh tâm thần đã thổ lộ rằng họ đã cảm thấy dễ hòa nhập hơn với mọi người xung quanh sau khi họ kết hôn bởi vì mọi người đã thừa nhận họ như những người trưởng thành có thể độc lập được trong cuộc sống. Họ còn chia sẻ rằng sau khi kết hôn dường như họ cảm thấy mạnh mẽ hơn và cảm giác giống như những người bình thường khác. Điều này giúp họ vững tin hơn trong cuộc sống và theo các chuyên gia tâm lý thì đây là yếu tố cực kỳ quan trọng nhằm giúp họ hồi phục lại các chức năng bình thường

Có thể nói ước vọng lập gia đình là quyền chính đáng của mọi người kể cả những người mắc bệnh tâm thần. Vấn đề đặt ra là nhân viên công tác xã hội phải có những định hướng và sự hỗ trợ như thế nào để giúp họ tận dụng được những tác động tích cực mà hôn nhân gia đình mang lại và giảm thiểu tối đa các ảnh hưởng tiêu cực của nó tới sức khỏe tâm thần của họ. Để có được một cuộc sống hôn nhân, các cặp vợ chồng mắc bệnh tâm thần đã phải trải qua rất nhiều khó khăn và trở ngại. Ngay từ giai đoạn đầu khi họ mới có ý định được kết hôn thì thường những người thân trong gia đình và ngay cả những chuyên gia trị liệu cũng ngăn cản do e ngại rằng họ sẽ không duy trì được cuộc sống hôn nhân do các xung đột thường có trong cuộc sống hôn nhân và từ đó sẽ mang đến những hậu quả tiêu cực đối với bệnh tật của họ. Hơn nữa gánh nặng về tài chính và việc duy trì cuộc sống hôn nhân như thế nào khi cả 2 đều mắc bệnh tâm thần cũng là mối băn khoăn của mọi người. Mặc dù vậy, nhiều cặp vợ chồng vẫn kiên định để vượt qua những rào cản và trở ngại trên để kết hôn với nhau vì họ tin tưởng rằng hôn nhân là một bước trong tiến trình giúp họ giống như người bình thường và sau đó sinh con là bước thứ hai để giúp họ trở nên bình đẳng với mọi người xung quanh. Một số người đã từng trải ngiệm sự thất bại trong cuộc sống hôn nhân trước kia thì cho rằng nguyên nhân của sự đổ vỡ chính là do bệnh tật của họ. Vì vậy nếu kết hôn với một người có cùng hoàn cảnh thì sẽ có được sự đồng cảm và quan tâm giúp đỡ nhiều hơn. Hơn nữa thì bố mẹ chồng/vợ có con cũng mắc bệnh tâm thần thì sẽ thấu hiểu và chia sẻ hơn với hoàn cảnh của họ.

Đối với họ, cuộc sống hôn nhân là một sự biến đổi lớn trong cuộc sống. Nhiều ý kiến chia sẻ rằng hôn nhân tạo ra những khó khăn nhất định nhưng đây mới là họ đang tận hưởng cuộc sống này hoặc cuộc sống hôn nhân sẽ tạo ra những hạn chế nhất định tại thời điểm hiện tại nhưng sẽ sẽ là những khám phá thú vị trong tương lai… Có thể nhận thấy họ đều có những niềm tin và sự hi vọng mãnh liệt vào tương lai trong cuộc sống hôn nhân. Trong những thời điểm này sự kiên định và tin tưởng vào cuộc sống hôn nhân của các cặp vợ chồng để thuyết phục được mọi người xung quanh là hết sức quan trọng. Sự ủng hộ cả về mặt vật chất và tinh thần của những người thân trong gia đình, của các chuyên gia trị liệu và mọi người xung quanh cũng được coi là những nhân tố thiết yếu để giúp họ tiến tới cuộc sống hôn nhân gia đình. Để có được cuộc sống hôn nhân là không phải dễ, điều này lại càng khó khăn hơn gấp nhiều lần đối với các cặp vợ chồng mắc bệnh tâm thần. Nhưng trên hết, ước mơ có một mái ấm gia đình; được hòa nhập với cuộc sống bình thường đã giúp họ vượt qua tất cả.

Trên thực tế thì trong cuộc sống hôn nhân vẫn luôn có rất nhiều những khó khăn và trở ngại nảy sinh. Những khó khăn về mặt tài chính, những xung đột trong cuộc sống hôn nhân luôn mang lại những căng thẳng. Hơn nữa một vấn đề rất khó nghĩ mà các cặp vợ chồng này luôn gặp phải đó là việc sinh con. Tuy nhiên với các cặp vợ chồng mắc bệnh tâm thần thì đây lại không phải đơn giản vì việc sinh con (trong nhiều trường hợp) sẽ khiến họ phải tạm dừng việc điều trị bệnh vì sợ tác dụng phụ của thuốc sẽ ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của em bé. Hơn nữa việc sinh con cũng đồng nghĩa với việc gia tăng gánh nặng tài chính do đó nhiều cặp vợ chồng đã đi đến thống nhất là không sinh con sau khi kết hôn. Song về phía bản thân người phụ nữ, có con không chỉ là sợi dây duy trì hạnh phúc mà còn là thiên chức và là quyền của họ.

Xét về khía cạnh nhân sinh thì ước vọng được lập gia đình là một ước vọng hoàn toàn bình dị và chính đáng của mỗi con người mà ai cũng có quyền được hưởng. Còn xét về khía cạnh sức khỏe tâm thần thì rõ ràng một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, bền vững sẽ mang lại những tác động hết sức hiệu quả và tích cực tới quá trình điều trị và phục hồi bệnh của họ. Các yếu tố như là sự đồng cảm, tôn trọng lẫn nhau trong cuộc sống vợ chồng, sự hỗ trợ cả về mặt tinh thần và vật chất của gia đình, các chuyên gia trị liệu cũng như cộng đồng được xem như là những thành tố rất quan trọng đối với việc duy trì cuộc sống hôn nhân hạnh phúc của các cặp vợ chồng mắc bệnh tâm thần.

Trong lĩnh vực CTXH thì quan điểm hiện nay khi làm việc với thân chủ là luôn gắn với cách tiếp cận theo quyền. Quyền được kết hôn, được sống trong một gia đình hạnh phúc và phát triển bình thường như những người khác là những quyền và mong ước rất bình dị của bất kể ai. Do đó sự hỗ trợ của nhân viên công tác xã hội là rất cần thiết nhằm chung tay chia sẻ với ước mơ bình dị đó để từ đó có thể giúp họ sớm hòa nhập lại với mọi người xung quanh và đóng góp vào sự phát triển chung của toàn xã hội. 

NGUỒN: TẠP CHÍ CỘNG SẢN