vi-VNen-US
Hotline: 0913460889 (Mr. Thơ – Luật sư)

Xử lý nợ xấu, phải chấp nhận mất tiền

21/01/2014 09:00        

Các chuyên gia cho rằng, ngoài việc có chính xác các số nợ xấu, với những khoản nợ xấu của Việt Nam, cần chấp nhận việc mất một phần tiền, đồng thời phải có cách xử lý triệt để nợ thay vì chỉ mua và khoanh nợ như hiện nay.

 

 

Lo nợ xấu của ngân hàng

Phát biểu tại Hội thảo Kinh nghiệm xử lý nợ xấu trong hệ thống tài chính của Trung Quốc và bài học cho Việt Nam (do Bộ Tài chính Việt Nam và Trung Quốc tổ chức ngày 17/12), TS. Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng Giám đốc Cty mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) cho rằng, xử lý nợ xấu của Việt Nam có những điểm khác so với các nước.

So với thời kì bùng nổ nợ xấu ở Việt Nam có thể thấy quy mô nợ xấu cả con số tuyệt đối và tương đối đã giảm đáng kể. Trong số nợ xấu công bố, ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất, sau đó là bất động sản.

Các số liệu cũng cho thấy có trên 30 tổ chức tín dụng có dư nợ xấu trên 3%. Một số ngân hàng có nợ xấu lớn như SHB (9%). Cá biệt như Agribank vừa công bố số nợ xấu là trên 33 ngàn tỷ đồng trong khi vốn điều lệ của ngân hàng chỉ hơn 29 ngàn tỷ đồng. Đây là trường hợp ngân hàng có nợ xấu cao hơn cả vốn điều lệ.

Điểm đáng quan ngại trong nợ xấu của Việt Nam, theo ông Thường, là các con số nợ xấu công bố không bao hàm dư nợ xấu của các ngân hàng mang tính chính sách như dư nợ xấu của các đơn vị mang tính chính sách như Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đại diện DATC cho rằng, thời gian qua, Cty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua nợ chủ yếu theo phương thức ghi sổ và phát hành trái phiếu đặc biệt. Cty này mới chỉ tập trung vào mua nợ và để “tồn kho” để chờ thời gian xử lý nợ xấu. “Với cách xử lý như hiện nay, theo phát biểu của một Phó chủ tịch của Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia, chúng ta đang xử lý nợ xấu cho các tổ chức tín dụng thông qua VAMC bằng phương thức cho “ngậm sâm”. Còn việc xử lý nợ thì chưa biết làm thế nào cả, ông Thường nói.

Phải chấp nhận mất tiền

Chia sẻ kinh nghiệm xử lý nợ xấu của Trung Quốc, Giáo sư Hàn Hiểu Minh, Viện Nghiên cứu Khoa học Tài chính Trung Quốc cho rằng, việc nợ xấu tại các ngân hàng thương mại ở Trung Quốc cũng có một số điểm tương đồng với Việt Nam. Nợ xấu ở các ngân hàng phát sinh do phải đảm nhận lượng lớn các khoản vay chính sách.

Tính từ năm 1999 đến nay, các ngân hàng thương mại nhà nước ở Trung Quốc đã phải 3 lần bóc nợ xấu quy mô lớn với số tiền hàng chục nghìn tỷ nhân dân tệ. Để xử lý vấn đề nợ xấu, Trung Quốc cũng đã thành lập Cty quản lý tài chính (AMC) để tiếp nhận nợ xấu.

“Tính đến cuối năm 2006, 4 Cty thuộc AMC đã xử lý được 1.210,2 tỷ nhân dân tệ nợ chính sách và thu hồi được 211 tỷ. Kinh nghiệm cho thấy, các Cty xử lý nợ xấu chỉ giúp thu hồi được khoảng 25% tổng số nợ xấu phát sinh. Việt Nam muốn xử lý nợ xấu cũng phải chấp nhận cắt gọt các khoản nợ xấu của mình”, GS Minh cho biết.

Đề xuất theo hướng khác, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho biết, để xử lý nợ xấu nhanh và hiệu quả, cần tính đến việc chứng khoán hóa các khoản nợ khó đòi.

Theo đó, với tình huống doanh nghiệp có lịch sử quản trị kinh doanh tốt, đang gặp khó khăn về nghĩa vụ trả nợ gốc do tình hình kinh tế khó khăn, do các dự án đầu tư đang triển khai chưa đi vào hoạt động…thì có thể chuyển một phần nợ gốc thành trái phiếu trung hạn, nhằm hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp tồn tại phát triển.

Cùng đó, có thể chuyển nợ quá hạn, nợ xấu thành cổ phần và chuyển vị thế các ngân hàng đang là chủ nợ thành cổ đông lớn, cổ đông nắm đa số cổ phần nếu nhận thấy sau tái cấu trúc doanh nghiệp có khả năng tồn tại và phát triển.

“Đây là cách thức xử lý khá phổ biến theo thông lệ thế giới. Đối với Việt Nam, từ trước tới nay đã có rất nhiều trường hợp thành công, thể hiện không những cứu được doanh nghiệp khỏi nguy cơ giải thể phá sản mà còn bảo toàn được nguồn vốn của các ngân hàng thương mại. Với cách làm này, sau khi chuyển đổi, các ngân hàng thương mại rất dễ dàng tìm được người mua là các nhà đầu tư chiến lược”, ông Hải cho biết.

SOURCE: tienphong.vn/kinh-te/xu-ly-no-xau-phai-chap-nhan-mat-tien-663924.tpo