vi-VNen-US
Hotline: 0913460889 (Mr. Thơ – Luật sư)

Luật Đầu tư và định hướng hoàn thiện

20/01/2014 09:22        

                                                                        Quách Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

I. TỔNG QUAN VỀ LUẬT ĐẦU TƯ VÀ VƯỚNG MẮC

Việc ban hành Luật Đầu tư năm 2005 là một bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư tại Việt Nam.

Cùng với Luật Doanh nghiệp được thông qua và có hiệu lực thi hành vào ngày 1/7/2006, đây là lần đầu tiên sau gần 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam có một khung pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp được áp dụng thống nhất cho tất cả các nhà đầu tư và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Những quy định của Luật Đầu tư và các điều khoản được quy định chi tiết tại các Nghị định hướng dẫn thi hành đã mở rộng quyền tự chủ trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư bằng việc xóa bỏ một loạt rào cản đầu tư không phù hợp với thông lệ kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư.

Điểm nổi bật của Luật Đầu tư 2005 là các quy định thông thoáng về quy trình, thủ tục thực hiện dự án đầu tư. Theo đó, Luật đã áp dụng phổ biến chế độ đăng ký đầu tư; bãi bỏ hàng loạt các quy định mang tính chất xin - cho, kiểm duyệt đối với nhà đầu tư; chuyển thủ tục quản lý hoạt động của dự án đầu tư từ cơ chế tiền kiểm sang cơ chế hậu kiểm...

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, một số quy định của Luật và quá trình thực hiện Luật còn tồn tại một số hạn chế chủ yếu sau:

Một là, việc lần đầu tiên áp dụng khung pháp lý về đầu tư, kinh doanh thống nhất cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế đã không tránh khỏi một số khó khăn nhất định. Thực tế cho thấy, do Luật Đầu tư và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP chưa quy định rõ khái niệm nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nên việc xác định địa vị pháp lý (quyền, nghĩa vụ) cũng như điều kiện và thủ tục đầu tư, kinh doanh của các đối tượng này còn chưa có quan điểm thống nhất giữa các Cơ quan quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Mặt khác, việc chuyển từ chế độ quản lý một doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được thành lập trên cơ sở một dự án đầu tư sang chế độ quản lý một doanh nghiệp được tổ chức, hoạt động thống nhất trong khuôn khổ Luật Doanh nghiệp và được phép đăng ký đầu tư đồng thời với đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau cũng làm cho việc xác định thủ tục đầu tư, kinh doanh đối với các doanh nghiệp này trở nên khó khăn và phức tạp hơn.   

Đây là một trong những vướng mắc phổ biến trong quá trình thực hiện Luật và là yếu tố làm hạn chế đáng kể đến sức hấp dẫn trong các quy định thông thoáng của Luật về điều kiện và thủ tục đầu tư.   

Hai là, do phạm vi điều chỉnh của Luật rộng, bao quát toàn bộ hoạt động đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, đầu tư sử dụng vốn nhà nước và đầu tư tư nhân, đầu tư ra nước ngoài… nên một số quy định của Luật còn chồng chéo với quy định của các Luật khác. Thực tế cho thấy, ngay sau khi Luật Đầu tư và Nghị định 108/2006/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, một loạt các đạo luật chuyên ngành có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh đã được ban hành và/hoặc sửa đổi (như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Chứng khoán....). Các luật này cùng điều chỉnh hoạt động đầu tư, nhưng lại không có sự phân định rõ ràng với Luật Đầu tư về phạm vi, đối tượng áp dụng nên việc thực thi đã không tránh khỏi trùng lặp, thậm chí xung đột với quy định của Luật Đầu tư và Nghị định 108/2006/NĐ-CP, đặc biệt là các vấn đề có liên quan đến quy trình, thủ tục thực hiện dự án đầu tư.  

Ba là,  trong thời qua, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư đã bộc lộ một số hạn chế. Không ít địa phương tăng cường thu hút đầu tư mà không chú trọng chất lượng, hiệu quả của dự án, không tuân thủ quy hoạch phát triển ngành và lãnh thổ, buông lỏng biện pháp kiếm tra, giám sát và thiếu chế tài ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc thực hiện dự án. Đây là một trong nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng một số dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, nhưng không được triển khai theo đúng tiến độ, gây lãng phí nguồn lực đất đai, tài nguyên của đất nước, làm suy giảm lòng tin của xã hội về tính hiệu qủa trong hoạt động thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giữa cơ quan trung ương và địa phương chưa được hoàn thiện kịp thời trong bối cảnh thực hiện chế độ phân cấp cũng gây nhiều khó khăn trong hoạt động quản lý đầu tư.

Bốn là, Luật Đầu tư và Nghị định 108/2006/NĐ-CP có hiệu lực thi hành chỉ vài tháng trước thời điểm Việt Nam gia nhập WTO và bắt đầu thực hiện lộ trình cam kết với Tổ chức này về mở cửa thị trường đầu tư trong các ngành dịch vụ cũng như các cam kết khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh. Do tính chất phức tạp, mới mẻ của nhiều cam kết và với thời gian chuẩn bị còn hạn chế, nên việc thực hiện đã không tránh khỏi một số bất cập sau đây:

- Chưa có quan điểm thống nhất về việc áp dụng cam kết đối với nhà đầu tư không thuộc quốc gia/vùng lãnh thổ là thành viên của WTO;

- Chưa có quy định cụ thể về việc áp dụng cam kết đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư đã được thành lập tại Việt Nam;

- Chưa có quy định về việc áp dụng cam kết trong trường hợp nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án đầu tư có nhiều mục tiêu khác nhau, nhưng lại thuộc các ngành/phân ngành dịch vụ được cam kết mở cửa với phạm vi và mức độ không giống nhau;

- Chưa có quy định về việc áp dụng cam kết đối với các ngành/phân ngành dịch vụ "chưa cam kết" hoặc không được liệt kê trong Biểu cam kết về dịch vụ;

II. ĐỊNH HƯỚNG HOÀN THIỆN LUẬT ĐẦU TƯ

1. Quan điểm, mục tiêu

Thực tế nêu trên đã và đang đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện các quy định của Luật Đầu tư nhằm:

- Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư phù hợp với định hướng nêu tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

- Hoàn thiện các quy định của Luật nhằm giải quyết những khó khăn trong hoạt động đầu tư của nhà đầu tư, đặc biệt là những vướng mắc trong việc áp dụng các quy định về điều kiện đầu tư và thủ tục đầu tư;

- Nâng cao hiệu quả và hiệu lực công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, đồng thời hoàn thiện chế độ phân cấp quản lý đầu tư và các quy định về thủ tục đầu tư theo nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục, nhưng phải đảm bảo thực hiện có hiệu qủa công tác quản lý nhà nước, tăng cường chế độ kiểm tra, giám sát và phối hợp giữa các cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương.

2. Định hướng hoàn thiện Luật Đầu tư

Với những quan điểm và mục tiêu nêu trên, Luật Đầu tư cần được hoàn thiện theo hướng:

- Sửa đổi nhóm các quy định chung của Luật (về khái niệm nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, dự án đầu tư ...) làm cơ sở cho việc áp dụng thống nhất điều kiện, thủ tục đầu tư, kinh doanh, khắc phục tình trạng xung đột giữa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các Luật có liên quan.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện đầu tư và lĩnh vực đầu tư có điều kiện phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

- Hoàn thiện các quy định về lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài, ưu tiên thực hiện các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai ...; quy định thống nhất Danh mục lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư làm cơ sở để áp dụng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tiền thuê đất, sử dụng đất ...

- Sửa đổi quy định về thủ tục đầu tư theo hướng bãi bỏ quy định Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; hoàn thiện các quy định về thủ tục đăng ký, thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhằm làm rõ hồ sơ, quy trình, thủ tục, thời hạn thực hiện..., đồng thời bổ sung tiêu chí thẩm tra dự án phù hợp với quy hoạch và yêu cầu quản lý nhằm tránh tình trạng cấp phép tùy tiện, phá vỡ quy hoạch.

- Hoàn thiện các quy định về phân cấp cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo hướng đảm bảo quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch vùng lãnh thổ; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thẩm tra và quản lý hoạt động của dự án.

- Hoàn thiện các quy định về thủ tục thực hiện dự án đầu tư, đặc biệt là các quy định về thủ tục góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam, thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư và các thủ tục có liên quan đến việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, chuyển đổi hình thức đầu tư, hình thức doanh nghiệp ...

- Bổ sung các quy định về xúc tiến đầu tư nhằm hình thành khung pháp lý về xúc tiến đầu tư đáp ứng yêu cầu vận động thu hút đầu tư trong thời gian tới.

 Nguồn: http://dangkykinhdoanh.gov.vn