vi-VNen-US
Hotline: 0913460889 (Mr. Thơ – Luật sư)

Hiểu biết pháp luật để tránh rủi ro giao thương

15/05/2020 09:12        

Hội nhập kinh tế, tăng cường giao thương quốc tế luôn gắn liền với sự gia tăng rủi ro pháp lý. Không thể loại bỏ hết được các rủi ro nhưng DN hoàn toàn có thể hạn chế nó bằng chính sự hiểu biết về pháp luật và sự tỉnh táo trong khi thực hiện mỗi giao dịch thương mại quốc tế.

Thiệt hại nhiều đường

Dẫn chứng về những rủi ro pháp lý trong hoạt động thương mại quốc tế, ông Nguyễn Văn Du - Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đã kể câu chuyện DN mình đó là vụ kiện đòi bồi thường gần 1 triệu USD ở Italia.

                                                                          

Ban đầu đây chỉ là một tranh chấp về lao động và tiền công. Khi có phát sinh tranh chấp đã không xử lý kịp thời và đối tác đã lợi dụng biến thành một vụ kiện thương mại. Rủi ro pháp lý này đã gây ra nhiều thiệt hại. Có những thiệt hại vật chất có thể đo đếm được còn có những thiệt hại vật chất không đo đếm được mà trong trường hợp này là đã ảnh hưởng đến khả năng thâm nhập thị trường. Bên cạnh đó, là những mất mát phi vật chất rất lớn như ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín, khả năng cạnh tranh thị trường.

Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam cũng đã từng hứng chịu những rủi ro pháp lý trong thương mại quốc tế khi bị nước ngoài đăng ký mất bản quyền nhãn hiệu trên thị trường quốc tế. Nhãn hiệu Vinataba tuy đã được đăng ký trong nước nhưng chưa đăng ký ở nước ngoài, khi tiến hành đăng ký ở nước ngoài thì phát hiện đã bị một công ty của Indonesia chiếm đoạt tại 13 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Điều này đã gây tác hại ngiêm trọng đến quyền lợi của DN. Sản phẩm Vinataba không thể xuất khẩu sang các nước đã bị đăng ký tước đoạt thương hiệu. Đồng thời, công ty tại những nước này có thể sản xuất Vinataba giả để đưa vào Việt Nam. Ngoài ra, những ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của DN và ngành thuốc là Việt Nam không phải là nhỏ.

Tổng Công ty Thuốc lá đã thực hiện việc đòi lại nhãn hiệu của mình nhưng đến nay mới chính thức thành công trên thị trường Campuchia, thị trường Lào và Trung Quốc đang trong quá trình xử lý. Việc khiếu kiện để đòi lại nhãn hiệu mới chỉ thực hiện ở 3 nước nhưng đã rất khó khăn và tốn kém.

Vụ kiện thương mại lớn nhất mà DN Việt Nam đương đầu gần đây là EU kiện giày mũ da bán phá giá vào thi trường khu vực này. Quá trình xử lý vụ kiện cũng xảy ra những rủi ro thương mại mà hậu quả DN Việt Nam hứng chịu chắc chắn còn kéo dài. Bà Nguyễn Thị Tòng, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam cho biết, vụ kiện chống bán phá giá các loại giày mũ da là một điển hình cho một dạng rủi ro pháp lý thường gặp là chúng ta không có đủ cơ sở dữ liệu để chứng minh khi có tranh chấp xảy ra.

Qua thực tế của ngành mình, bà Tòng đã cho rằng, phần lớn các DN hiện nay chưa nhận diện hết các rủi ro, chưa chuẩn bị phòng ngừa và sẵn sàng đối mặt với môi trường kinh doanh quốc tế. Luật sư Đỗ Trọng Hải - Phó Tổng giám đốc InvestConsult Group có chung nhận định, thực tế thời gian qua cho thấy, do chưa có sự am hiểu đầy đủ về các yếu tố pháp luật nước ngoài và quốc tế, việc quản lý rủi ro pháp lý của các DN Việt Nam trong quan hệ thương mại quốc tế chưa được thực hiện tốt, nhiều DN đã phải đối mặt với những rủi ro và chịu những thiệt hại không đáng có.

Giao thương quốc tế: vô vàn rủi ro

Thực tế có rất nhiều dạng rủi ro có thể xảy ra trong quá trình giao thương quốc tế. Bằng thực tế, các luật sư đã liệt kê ra hàng loạt nguy cơ rủi ro pháp lý đến từ tất cả mọi khía cạnh của các giao dịch thương mại quốc tế. Tuy nhiên theo các luật sư, những rủi ro xảy ra trước hết là do chưa hiểu biết đẩy đủ về hệ thống luật pháp và chính sách của nước ngoài, luật pháp và thông lệ quốc tế cũng như các thoả thuận song phương giữa các quốc gia.

Luật sư Đỗ Trọng Hải liệt kê hàng loạt rủi ro khác nhau như: liên quan đến xác lập quyền và chuyển dịch quyền sở hữu, quyền quản lý tài sản theo pháp luật nước ngoài; liên quan đến các rào cản thương mại và kỹ thuật của các Chính phủ; rủi ro liên quan đến các thoả thuận về thuế; rủi ro liên quan đến DN bị kiện chống bán phá giá, bị áp dụng mức thuế bán phá giá... Điều này là dễ hiểu vì mỗi quốc gia luôn xây dựng một hệ thống pháp luật, chính sách để bảo vệ thị trường, DN và người tiêu dùng của mình. Nếu không hiểu biết đầy đủ về các quy định này thì DN Việt Nam sẽ không thâm nhập vào được thị trường, thậm chí sẽ gặp phải những hậu quả nặng nề.

Chỉ riêng các rủi ro liên quan đến sở hữu trí tuệ đã có thể phân ra rất nhiều dạng như: liên quan đến nhãn hiệu thương hiệu; liên quan đến vấn đề sáng chế; liên quan đến bí quyết kỹ thuật và chuyển giao công nghệ; liên quan đến vấn đề bản quyền... mỗi dạng rủi ro liên quan đến hàng loạt các quy định mang tính pháp lý và kỹ thuật sâu được thiết lập trên những hệ thống pháp luật đặc thù của từng nước khác nhau. Điều này cho thấy sự phức tạp của pháp luật quốc tế và nguy cơ cao về các rủi ro thương mại. Đây thực sự là một khó khăn và là thách thức lớn cho DN khi vươn ra thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, còn có rất nhiều dạng rủi ro xảy ra có khi chỉ do chưa hiểu biết đầy đủ về pháp luật Việt Nam. Điều này tưởng như không thể nhưng lại xảy ra khi không ít DN Việt Nam thiếu quan tâm đến việc nghiên cứu và áp dụng pháp luật Việt Nam. Trong khi đó, đối tác nước ngoài lại có sự chuẩn bị chu đáo khiến chúng ta rơi vào cảnh thua thiệt.

Cũng có thể rủi ro xảy ra do không tiên liệu trước được sự thay đổi của luật pháp chính sách của nước ngoài cũng như Việt Nam. Chính sách pháp lý sẽ có những thay đổi để phù hợp với thực tiễn, nếu DN không cập nhật có thể vấp phải những thiệt hại lớn, thậm chí là phá sản. Điều này không chỉ xảy ra khi chính sách nước ngoài thay đổi mà có thể đến từ việc thay đổi những chính sách của Việt Nam.

Một rủi ro mà DN Việt Nam hay gặp phải trong thời gian qua là liên quan đến việc thẩm định tư cách pháp lý, tài chính của đối tác cũng như người đại diện đối tác nước ngoài. Trên thực tế khi không ít DN Việt Nam bị lừa đảo do thiếu thông tin của đối tác. Điều này cũng bộc lộ một thực tế ở Việt Nam chưa có một cơ quan tổ chức nào có khả năng thẩm định tư cách pháp lý cũng như tài chính của đối tác nước ngoài cũng như người đại diện của họ.

Thậm chí khi đã xảy ra rủi ro, tranh chấp cần phải giải quyết cũng có thể vấp tiếp những rủi ro liên quan đến việc lựa chọn luật áp dụng và cơ quan giải quyết tranh chấp, rủi ro liên quan đến thi hành phán quyết của trọng tài hoặc toà án nước ngoài.

Hạn chế rủi ro: trước hết DN phải tự lo

Theo các luật sự, có nhiều nguyên nhân dẫn đến rủi ro trong thương mại quốc tế đối với DN Việt Nam như chưa có thói quen tuân thủ pháp luật và coi nhẹ yếu tố pháp lý trong kinh doanh; do không hiểu biết về pháp luật nước ngoài và thông lệ quốc tế; chưa có thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý và tư vấn của luật sư; không có sự chuẩn bị kỹ càng hoặc thiếu kinh nghiệm trong thương thảo hợp đồng; lựa chọn đối tác không có năng lực và tư cách pháp lý mà DN Việt Nam lại không hiểu biết và không có điều kiện kiểm tra...

 

Theo ông Nguyễn Văn Du thì rủi ro pháp lý là một phần của hoạt động thương mại. Hay nói cách khác hoạt động trong nó đã chứa đựng những rủi ro tiềm ẩn mà không có cách gì loại trừ hoàn toàn được. Tuy nhiên, để có thể giảm thiểu rủi ro và hạn chế tác động tiêu cực của nó lại là điều có thể làm được và phụ thuộc nhiều vào nỗ lực của DN và sự trợ giúp hữu hiệu của Nhà nước.

Luật sự Quách Mạnh Hồng - Văn phòng Luật Ledaco cho rằng, hội nhập ngày càng sâu rộng thì các rủi ro pháp lý sẽ gia tăng. DN Việt Nam cần phải tỉnh táo hơn trong các giao dịch thương mại quốc tế. Trước hết, không ai khác ngoài chính bản thân DN phải tự ý thức được rủi ro và từ đó có biện pháp phòng tránh và khắc phục hiệu quả.

Với quan điểm đó, Luật sư Đỗ Trọng Hải cho rằng, giải pháp quan trọng để phòng tránh rủi ro pháp lý cho DN trong quá trình hội nhập chính là việc xây dựng hệ thống luật pháp minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế. Điều này là tất yếu, khi gia nhập WTO, mỗi DN Việt Nam trở thành một tổ chức kinh doanh trong môi trường pháp lý toàn cầu và buộc phải hoạt động theo môi trường pháp lý quốc tế. Bên cạnh đó, việc nâng cao tinh thần tôn trọng pháp luật của DN Việt Nam cũng là một yêu cầu quan trong để phòng tránh những rủi ro trong hoạt động thương mại.

Trong môi trường thương mại toàn cầu, việc nâng cao hiểu biết của các DN Việt Nam và pháp luật trong nước và quốc tế là một tất yếu. Không còn cách nào khác, DN phải tự trang bị cho mình những hiểu biết trước khi bước ra làm ăn với nước ngoài. Các DN cũng cần có thới quen sử dụng tư vấn của luật sự trong các quan hệ thương mại nhất là quan hệ có yếu tố nước ngoài. Đây là điều cần thiết, dù có thể tiêu tốn 1 ít chi phí nhưng lại ngăn chặn những rủi ro gây thiệt hại lớn về vật chất và uy tín.

Nguồn: VietNamNet