vi-VNen-US
Hotline: 0913460889 (Mr. Thơ – Luật sư)

Công tác xét xử các vụ án vi phạm trật tự an toàn giao thông của Ngành TAND, những vướng mắc và giải pháp khắc phục

21/08/2013 15:45        

Trong số các vụ án vi phạm trật tự an toàn giao thông ( sau đây viết tắt là VPTTATGT)  mà Ngành TAND đã thụ lý trong thời gian qua thì số vụ án vi phạm an toàn giao thông đường bộ chiếm tới 99%, còn lại là những vụ án VPTTATGT về đường thủy, đường sắt và hàng không. Qua công tác giải quyết, xét xử các vụ án VPTTATGT trong thời gian qua cho thấy, số lượng các vụ án VPTTATGT ngày càng có xu hướng gia tăng, nhiều vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nếu so sánh số liệu của năm 2003 với năm 2011, thì sau 8 năm, loại tội phạm này tăng 61% và trung bình số người chết do tai nạn giao thông ước tính khoảng 12 nghìn người/năm. Trong số các vụ án VPTTATGT mà Tòa án đã xét xử, số bị cáo có độ tuổi từ 18 đến 30 chiếm trên 25%, bị cáo là người chưa thành niên chiếm khoảng 12%. Các vụ án VPTTATGT đường bộ chủ yếu xảy ra liên quan tới vi phạm khi điều khiển ô tô và xe gắn máy. Nguyên nhân của tình hình trên là do ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn kém, coi thường tính mạng của mình và người khác; đã sử dụng bia, rượu nhưng vẫn tham gia giao thông. Các hành vi vi phạm cũng hết sức đa dạng như: điều khiển phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép, chở quá số người quy định, đi vào đường cấm, đường ngược chiều, vượt đèn đỏ, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt... Đồng thời, nguyên nhân của việc gia tăng các vụ án VPTTATGT cũng một phần là do hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn giao thông chưa cao; việc chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa thường xuyên, liên tục và thiếu quyết liệt.

Trong quá trình giải quyết các vụ án VPTTATGT, các Tòa án đã tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, đối với những vụ án mà hồ sơ còn thiếu chặt chẽ, chưa đủ cơ sở vững chắc để xác định tội phạm, người phạm tội thì Tòa án kiên quyết trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nhằm đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Khi xét xử, Tòa án đã tạo điều kiện và bảo đảm cho những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, tăng cường tranh tụng và các phán quyết của Tòa án chủ yếu căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét một cách khách quan, toàn diện các chứng cứ đã được thu thập trong quá trình điều tra vụ án, nên nhìn chung chất lượng xét xử được đảm bảo. Hình phạt mà các Tòa án đã tuyên phạt đối với các bị cáo đảm bảo nghiêm minh, theo đúng chính sánh hình sự của Nhà nước, vừa đảm bảo mục đích trừng trị, nhưng đồng thời cũng đề cao tính giáo dục và phòng ngừa tội phạm.

Để hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong công tác xét xử các tội VPTTATGT, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã ban hành Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003, hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự về các tình tiết "gây thiệt hại nghiêm trọng", "gây hậu quả rất nghiêm trọng", "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ vi phạm quy định về an toàn giao thông, giúp các Tòa án tháo gỡ những vướng mắc về pháp luật khi xét xử các tội phạm này. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan Tòa án cũng gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng pháp luật.

1- Một số vướng mắc trong thực tiễn xét xử các vụ án VPTTATGT

Thực tiễn xét xử các tội phạm VPTTATGT trong thời gian qua cho thấy, các Tòa án gặp phải một số vướng mắc khi áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án; cụ thể là:

- Người sử dụng xe máy chuyên dùng vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác có thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 202 Bộ luật hình sự hay không?

Theo quy định tại khoản 17, Điều 3 của Luật GTĐB năm 2008, phương tiện GTĐB gồm: phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (khoản 12, Điều 3 của Luật GTĐB năm 2001 cũng quy định tương tự). Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm: xe ô tô; máy kéo; rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự. Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (sau đây gọi là xe thô sơ) gồm: xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự. Còn xe máy chuyên dùng gồm: xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh có tham gia GTĐB (Khoản 18, 19, 20 của Luật GTĐB năm 2008).

Như vậy, theo Luật GTĐB, phương tiện GTĐB không bao gồm xe máy chuyên dùng. Trong khi đó, khoản 1, Điều 202 của BLHS quy định là tội phạm đối với người nào điều khiển phương tiện GTĐB mà vi phạm quy định về an toàn GTĐB gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác.

Do sự khác nhau này, thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về vi phạm quy định về an toàn giao thông phát sinh một số vướng mắc liên quan đến người điều khiển xe chuyên dùng vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện GTĐB gây thiệt hại cho tính mạng, thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ hoặc tài sản của người khác.

- Người điều khiển xe ô tô buýt trong bến xe dành riêng cho xe ô tô buýt gây thiệt hại đến tính mạng người khác có thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 202 Bộ luật hình sự hay thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 98 Bộ luật hình sự?

Qua thực tiễn xét xử các vụ án VPTTATGT thời gian qua cho thấy, giữa Tòa án các cấp còn có sự nhận thức khác nhau trong việc định tội danh đối với các trường hợp này.

- Người điều khiển phương tiện giao thông trong thời gian họ bị mất bằng lái xe (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền); hoặc đã học tập trung tại trường đào tạo lái xe, đã thi sát hạch xong (đã đỗ), đang chờ cấp bằng lái xe gây tai nạn thì có được coi là có bằng lái xe theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự  hay được coi là không có giấy phép lái xe hoặc bằng lái xe theo quy định?

Đối với trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông trong trường hợp họ bị mất bằng lái xe (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền) mà gây ra hậu quả chết người, thì có Toà án áp dụng là tình tiết tăng nặng “Không có giấy phép lái xe hoặc bằng lái xe theo quy định”, nhưng có Toà án lại không áp dụng đó là tình tiết tăng nặng mà chỉ xét xử hành vi đó theo khoản tương ứng mà điều luật quy định.

Trường hợp thứ hai, một người đã được học tập trung tại trường đào tạo lái xe, đã thi sát hạch xong (đã đỗ), đang chờ cấp bằng lái nhưng đã điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây hậu quả nghiêm trọng. Trong trường hợp này, có Toà án cho rằng người này đã được phép lái xe, có Toà án cho rằng họ chưa được phép lái xe vì chưa có giấy phép lái xe.

- Về áp dụng tình tiết “Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm”

Điểm c, Khoản 2, Điều 202 BLHS có quy định về tình tiết gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm. Tình tiết này chưa được giải thích rõ ràng nên việc áp dụng cũng có những khác nhau. Vì vậy, cần phải giải thích rõ như thế nào là bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm. Trên thực tế, có những trường hợp bỏ chạy vì lý do bị đe doạ đến tính mạng nhưng lại đến cơ quan công an gần nhất để khai báo, thì cũng là bỏ chạy nhưng không phải để trốn tránh trách nhiệm. Như vậy, tình tiết này cần được hướng dẫn cụ thể để các Tòa án áp dụng cho thống nhất.

Như vậy có thể nhận thấy cùng một hành vi phạm tội trong cùng một vụ án, nhưng lại có sự nhận thức và áp dụng pháp luật khác nhau của các cấp Tòa án, nguyên nhân là do quy định của pháp luật về những nội dung này chưa chặt chẽ và chưa được hướng dẫn để áp dụng thống nhất.

2. Các giải pháp, kiến nghị nhằm hạn chế các vụ án VPTTATGT, cũng như nâng cao chất lượng xét xử các vụ án về VPTTATGT 

  a. Các giải pháp, kiến nghị nhằm hạn chế các vụ án về VPTTATGT

- Cần làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông để nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân khi tham gia giao thông; tăng cường vận động tạo phong trào “toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông”, coi đây là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị; đưa chương trình giảng dạy về trật tự an toàn giao thông thành chương trình chính thức trong giảng dạy ở các cấp học.

- Làm tốt công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông; tăng cường công tác thanh tra kiểm tra và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông để tạo ý thức tuân thủ pháp luật của mọi công dân khi tham gia giao thông.

- Làm tốt công tác quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép cho người điều khiển phương tiện giao thông, cũng như công tác kiểm định an toàn kỹ thuật của các phương tiện tham gia giao thông.

- Nghiên cứu tìm ra biện pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị và thành phố lớn.

  b. Các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án về VPTTATGT

- Chú trọng và làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là việc tập huấn các văn bản pháp luật mới liên quan tới trật tự an toàn giao thông cho cán bộ, Thẩm phán làm công tác giải quyết, xét xử các vụ án này.

- Chủ động và tăng cường phối hợp với các cơ quan có liên quan làm tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật về an toàn giao thông, đặc biệt là sớm nghiên cứu, hướng dẫn để tháo gỡ những vướng mắc trong việc áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật đã được nêu ở trên.

- Tăng cường công tác giám đốc việc xét xử của Tòa án cấp trên với Tòa án cấp dưới để kịp thời uốn nắn, rút kinh nghiệm về những sai sót trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án về VPTTATGT.

- Bổ sung kinh phí cho các Tòa án để làm tốt việc tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động các vụ án VPTTATGT, từ đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông trong quần chúng nhân dân, đáp ứng yêu cầu phòng ngừa chung.

Nguồn: http://toaan.gov.vn